VIENNE: Tòa Thánh ủng hộ các nỗ lực của tổ chức Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế thăng tiến việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho các mục đích phát triển hoà bình và loại trừ vũ khí hạt nhân.
Lập trường trên đây đã được ĐTGM Richard Paul Gallagher, ngoại trưởng Tòa Thánh, trình bầy trong bài phát biểu tại phiên họp khoáng đại thứ 59 của tổ chức tại Vienne ngày 14 tháng 9 vừa qua. ĐC Gallagher ca ngợi các sinh hoạt đa diện của Tổ Chức Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế trong việc thăng tiến sự phát triển toàn diện và có thể chịu đựng nổi, bằng cách sử dụng sức mạnh của khoa học và kỹ thuật để giải quyết các vấn đề nghèo túng, sức khoẻ và ô nhiễm môi sinh; chống ung thư, và góp phần đương đầu với nhiều thách đố còn lại.
Việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho các mục đích hòa bình cho phép nhiều quốc gia tiến tới gần các mục tiêu phát triển hơn và đáp lại lời ĐTC Phanxicô mời gọi trong Thông điệp Laudato si’: đó là quản trị các tài nguyên nhân bản và thiên nhiên một cách có trách nhiệm hơn. Việc hiểu biết và các tài nguyên mà các kỹ thuật sử dụng khiến cho con người có một sức mạnh chưa từng thấy đối với tương lại nhân loại. Nhưng sự thất bại của việc dùng kỹ thuật một cách khôn ngoan là do sự kiện sự phát triển kỹ thuật vô cùng lớn lao đã không được đồng hành bởi sự phát triển trong tinh thần trách nhiệm, các giá trị và lương tâm con người.
Kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, các kho vũ khí hạt nhân đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn quá nhiều. Chúng khó có thể là nền tảng cho sự sống chung hòa bình giữa các dân tộc trong thế kỷ 21 này. Trái lại, chúng có nguy cơ bị sử dụng gây ra các hậu qủa tai hại cho toàn nhân loại. Việc bỏ ra bao nhiêu tỷ mỹ kim cho vũ khí hạt nhân phung phí tài sản quốc gia là một sai lầm, trong khi có thể sử dụng ngân sách này cho các lãnh vực phát triển con người toàn vẹn, giáo dục, sức khỏe và chống lại nạn nghèo đói. Vì các nguy cơ to lớn của chúng, các quốc gia có vũ khí hạt nhân có trách nhiệm luân lý rất lớn. Một thế giới không có vũ khí nguyên tử không chỉ là một lý tưởng luân lý, nhưng phải được theo duổi qua các sáng kiến chính trị cụ thể, đặc biệt từ phía các quốc gia có vũ khi hạt nhân.
Tiếp tục bài phát biểu, ĐTGM Callagher nói các thỏa hiệp về vũ khí hạt nhân song phương hay đơn phương vẫn còn hạn hẹp và chưa đủ. Chính vì thế trong bối cảnh các căng thẳng các quốc gia có vũ khí nguyên tử phải canh tân việc kiểm soát và giải thể vũ khí hạt nhân.
Toà Thánh tán đồng việc tổ chức Năng Lương Nguyên Tử Quốc Tế tham gia vào việc kiểm thực và điều hòa các cam kết của Iran. Trong một vùng có nhiều xung đột đạt tới một thỏa hiệp như vậy là một bước tiến quan trọng. Còn có rất nhiều bước nữa phải đi, và đòi hỏi thế giới đương đầu với thách đố luân lý nền tảng này. Mọi quốc gia đều có quyền sống trong an ninh. Nhưng giản lược an ninh vào chiều kích quân sự là giả tạo và ngô nghê. An ninh cũng đòi hỏi phát triển xã hội, tham gia chính trị, tôn trọng các quyền căn bản của con người cũng như các luật lệ và cộng tác liên đới vùng miền và quốc tế nữa (SD 14-9-2015)
Linh Tiến Khải
EmoticonEmoticon