Hiển thị các bài đăng có nhãn . VATICAN TV. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn . VATICAN TV. Hiển thị tất cả bài đăng

Vì sao Đức Phanxicô dâng hoa cho Đức Mẹ?

Add Comment
Tôi vừa trở lại đạo và tôi phải thú nhận, tôi hơi bối rối khi thấy Đức Phanxicô dâng hoa cho Đức Mẹ. Nhưng tôi hiểu, ngài tôn kính Mẹ mình, Mẹ của chúng ta, Mẹ của Giáo hội.


Như các bạn đã thấy: trong chuyến đi Mỹ, mỗi lần Đức Phanxicô vào một nhà thờ, việc trước hết là ngài đến dâng hoa dưới chân Đức Mẹ, trong một nhà nguyện kế bên dành tôn kính Đức Mẹ. Ngài thinh lặng và ở đó chiêm niệm. Ở bất cứ nhà thờ nào ngài đến, ngài cũng dâng hoa cho Đức Mẹ.

Và sau chuyến đi dài chín ngày, sau một đêm dài trên máy bay từ Philadelphia về Rôma, trong khi các ký giả tháp tùng ngài chỉ mong nhanh chóng về nhà hay về khách sạn nghỉ ngơi, thì Đức Phanxicô đi thẳng đến đền thờ Đức Bà Cả để cám ơn Đức Mẹ về chuyến đi của mình và để dâng hoa lên Đức Mẹ.

Tôi vừa mới trở lại đạo công giáo nên tôi hơi bối rối trước hành vi này. Tôi không được nuôi dạy trong truyền thống kính Đức Mẹ vào tháng năm. Tôi hiểu tầm quan trọng của việc tôn kính Đức Mẹ nhưng tôi không hiểu thói quen dâng món quà vật chất trước ảnh tượng nghệ thuật của Đức Mẹ.

Ngày cuối cùng chuyến đi Mỹ của Đức Giáo hoàng, sau khi xem lễ ngày chúa nhật ở nhà thờ trong khu vực của tôi ở Washington, tôi quyết định đi viếng Đức Mẹ. Tôi thấy ở đây có nhiều bà lớn tuổi nhưng nhiều nhất là các bà Phi Luật Tân. Tôi quỳ trước tượng Đức Mẹ Maria bồng Chúa Giêsu và tôi quan sát. Thành thật mà nói, tôi chẳng thấy gì ngoài bức tượng thạch cao trắng nhưng tôi ngạc nhiên khi thấy ánh mắt Đức Mẹ nhìn tôi, ánh mắt diễn tả tình mẫu tử, trìu mến, bàn tay mở ra tự nhiên như muốn mời tôi. Rõ ràng các bức tượng này được các nghệ sĩ tạo ra để làm chúng ta ngạc nhiên và để kích thích trí tưởng tượng của chúng ta, để chúng ta có thể chiêm ngắm Mẹ Maria như mẹ của mình. Các bức tượng Mẹ Maria nhắc cho chúng ta nhớ Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu nhưng cũng là Mẹ của chúng ta. Và để đáp trả thì chúng ta phải có lòng tôn kính Mẹ. Đức Phanxicô là người con chí hiếu của Đức Mẹ, ngài luôn dâng hoa cho Mẹ mình!
PopeFrancis-HolyMary.jpg

Tại sao phải dâng hoa?

«Dâng hoa cho Đức Mẹ, ‘Lời chào của dân La Mã’, đó là dấu hiệu lòng biết ơn của chúng ta đối với vai trò của Mẹ trong lịch sử cứu độ. Bông hoa là tặng vật của thiên nhiên. Đôi khi chúng ta cần một cái gì mang lại cảm giác và có thể nhìn được để nối kết với cái gì ở ngoài nhân loại, ở ngoài thế giới chúng ta. Dâng một tặng vật trần thế ở ngoài câu chữ và lời cầu nguyện. Đó là nói lên lòng biết ơn của một người con đối với người mẹ yêu thương của mình, thì chỉ làm cho tâm hồn chúng ta tốt hơn lên.»

Khi nhìn thấy các bó hóa dưới chân Đức Mẹ, chúng ta nhớ lại tình yêu của Mẹ cho chúng ta, tình yêu này dẫn đến một cái đẹp cao cả, một niềm hy vọng cho cuộc sống chúng ta.

Các bó hoa cũng nhắc chúng ta nhớ đến thế giới hữu hình, một biểu tượng cho thực tế thiêng liêng của quan hệ của chúng ta với Đức Mẹ.

Các bài giảng và các bài diễn văn của Đức Giáo hoàng trong chuyến đi Mỹ là chất liệu phong phú để chúng ta suy nghĩ và cảm hứng. Cũng như từ một tuần nay, tôi cảm nhận hành vi đơn sơ và thường xuyên tôn kính Đức Mẹ của ngài đã làm cho tôi được phong phú.

Còn các bạn, tôi không biết các bạn đã dâng hoa cho Đức Mẹ chưa, nếu chưa, các bạn chờ gì mà chưa dâng?

(Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 26.10.2015/
fr.aleteia.org, Zelda Caldwell, 2015-20-23)

Cha Lombardi bác bỏ tin Đức Thánh Cha bị ung thư não

Add Comment


VATICAN. Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh mạnh mẽ bác bỏ tin do một tờ báo Italia (Quotidiano Nazionale) tung ra nói rằng ĐTC bị ung thư não bộ ”nhẹ”.
 
Tuyên bố sáng ngày 20-10-2015, Cha Lombardi nói: ”Việc phổ biến tin tức hoàn toàn vô căn cứ về sức khỏe của ĐTC do một tờ báo Italia là điều vô trách nhiệm trầm trọng và không đáng để ý. Ngoài ra, cũng như tất cả đều thấy, ĐGH luôn thi hành không gián đoạn hoạt động rất khẩn trương của ngài một cách hoàn toàn bình thường”.
 
 Hôm 21-10-2015, hãng tin ADNkronos của Italia lại nói rằng một bác sĩ chuyên khoa ung thư não là ông Takanori Fukushima, hồi tháng giêng năm nay, đã bay trực thăng từ Pisa về Roma để khám bệnh cho ĐGH. Bác sĩ này đã xin bệnh viện San Rossore, mà ông là tư vấn từ lâu, cho phép dùng máy bay trực thăng ấy vì ông cần di chuyển mau lẹ. Ngoài Nhật bản, Ông cũng hoạt động tại Hoa Kỳ. Ông được coi là một trong những chuyên gia nổi tiếng nhất về ung thư và các bệnh về nào”.
 
 Tuy nhiên trong cuộc họp báo trưa ngày 21-10-2015 tại Vatican, Cha Lombardi xác quyết không có bác sĩ nào người Nhật đến Vatican để khám bệnh cho ĐGH, và cũng chẳng có cuộc khám như tờ báo đã nói. Cha cho biết đã tham khảo các nguồn tin liên hệ ở Vatican, kể cả ĐTC Phanxicô, để kiểm chứng.
 
 Cha Lombardi cũng kể rằng bên cạnh tin nói là ĐGH bị ung thư, tờ báo nói trên còn đăng bài phỏng vấn 1 bác sĩ Italiam giáo sư Maira, đang ở New York, Hoa Kỳ, về bệnh ung thư óc, mà không hề nói gì về tin ĐGH. Sáng ngày 21-10-2015 bác sĩ đó đã tự ý điện thoại cho cha Lombardi bày tỏ sự kinh ngạc vì bị lôi kéo vào vụ ”tin vịt” này và nói rằng ký giả tờ báo đó điện thoại xin phỏng vấn ông về bệnh ung thư óc một cách tổng quát, ông không ngờ những câu trả lời phỏng vấn của ông được đăng liền với tin nói ĐGH bị ung thư óc như thể để minh chứng cho cái tin này. Bác sĩ Maira nói rằng mình bị ”ký giả đánh lừa”.
 
 Cha Lombardi kể lại sự kiện trên đây để cho thấy bối cảnh tin đó được tạo nên thế nào (Tổng hợp 21-10-2015)
 
G. Trần Đức Anh, O.P

Có ít nghị phụ ủng hộ cho người ly dị tái hôn rước lễ nói chung

Add Comment


VATICAN. Trong cuộc họp báo hôm 19-10-2015 tại Phòng báo chí Tòa Thánh, Đức Cha Mark Benedict Coleridge, cho biết có ít nghị phụ ủng hộ cho người ly dị tái hôn rước lễ nói chung.
 
Đức Cha Coleridge là TGM giáo phận Brisbane, Australia. Ngài nói: ”Tôi không nhớ có bài phát biểu nào trong đó một nghị phụ minh thị yêu cầu Giáo Hội cho những người ly dị tái hôn được rước lễ, nhưng có một số nghị phụ thỉnh cầu ĐTC có một cử chỉ thương xót trong Năm Thánh”.
 
 Đức TGM Coleridge cũng thú nhận rằng ngài biết có bao nhiêu phần trăm các nghị phụ ủng hộ hay chống việc cho các cặp ly dị tái hôn rước lễ, nhưng ý tưởng chấp nhận tổng quát cho các cặp này rước lễ có lẽ đang suy giảm, trái lại nảy sinh đề nghị xin ĐTC can thiệp về vấn đề này trong Năm Thánh”.


 Trong khi đó, hôm 19-10-2015, ĐHY Walter Kasper, người Đức, nguyên chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, tuyên bố rằng ”Tôi hy vọng một sự cởi mở của đa số các nghị phụ ủng hộ việc cho các cặp ly dị tái hôn được rước lễ, kèm theo một tiến trình hội nhập trong các giáo xứ và Giáo Hội”.


 Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Sir của HĐGM Italia, ĐHY nói: ”Những người ly dị tái hôn cũng là con cái Thiên Chúa, họ cũng cần được bánh sự sống.. Thánh Thể không phải dành cho những người tuyệt hảo, nhưng là cho người có tội và tất cả chúng ta đều là người tội lỗi” (Apic 19-10-2015)
 
 Mặt khác, ĐHY George Pell, Chủ tịch sở kinh tế của Tòa Thánh, chống lại chủ trương để cho mỗi HĐGM quyết định về việc cho những cặp ly dị tái hôn được rước lễ.
 
 Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Le Figaro (Người thợ cạo) số ra ngày 19-10-2015 tại Pháp, ĐHY Pell người Australia nói: ”Giáo Hội không thể nói với 2 người ở trong cùng một hoàn cảnh: với người ở Ba Lan thì nói rằng người ly dị tái hôn mà rước lễ thì mắc tội phạm thánh, còn với người ở Đức thì nói: rước lễ như thế là một nguồn ơn thánh. Nước Đức và Ba Lan là hai nước láng giềng”. Quả thực có 2 thứ thần học khác nhau, nhưng chỉ có một đạo lý duy nhất.
 
 Nhiều nghị phụ tại Thượng HĐGM hiện nay kêu gọi dành cho HĐGM địa phương nhiều thẩm quyền hơn và ĐTC Phanxicô cũng tuyên bố theo chiều hướng này hôm thứ bẩy 17-10-2015 trong buổi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng HĐGM. Tuy nhiên, biện pháp cụ thể trong vấn đề này thế nào, người ta không biết.
 
 Trong cuộc phỏng vấn, ĐHY Pell cũng cho biết đề nghị cho người ly dị tái hôn được rước lễ trong từng trường hợp cũng không được đa số các nghị phụ ủng hộ. Trong số 248 nghị phụ đăng ký phát biểu trong Thượng HĐGM, chỉ có 20 vị ủng hộ giải pháp vừa nói.
 
 Ngoài ra, ĐHY Pell hy vọng từ Thượng HĐGM sẽ có một sự minh bạch hơn về thần học. Ngài nói: ”Chúng tôi chứng kiến một khuynh hướng thần học thứ 3 giữa hai chiều hướng của các vị người Đức: một quan điểm theo ĐHY Kasper, và một quan điểm theo Đức Ratzinger. Tôi hy vọng vào cuối Thượng HĐGM này sẽ có một sự minh bạch hơn (KNA 19-10-2015)
 
 
 
 G. Trần Đức Anh OP

ĐTC Phanxicô phong 4 vị thánh vào Chúa nhật 18-10-2015

Add Comment


Quảng trường thánh phêrô đã sẵn sàng, với hình ảnh của bốn chân phước sẽ trở thành thánh nhân trong thánh lễ Chủ nhật ngày 18-10-2015.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự và tuyên bố họ như những vị thánh đó là: một cặp vợ chồng, một linh mục người Ý, và một nữ tu người Tây Ban Nha.
 
Vị linh mục người Ý là Vincenzo Grossi, đấng sáng lập tu hội chị em Tiểu muội. Ông sinh năm 1845 tại Cremona và qua đời năm 1917. Cha thành lập tu hội vào năm 1895 là dành để rao giảng Tin Mừng cho người trẻ và trẻ em. Tu hội có cộng đoàn ở Ý, Argentina, và Ecuador. Grossi được phong chân phước cách đây 40 năm.
 
Mẹ María de la Purisima de la Cruz là bề trên tổng quyền của Các Sơ Dòng Thánh Giá. Dòng được thành lập để giúp đỡ những người nghèo nhất. Sơ sinh ở Madrid vào năm 1926 và qua đời năm 1998. Đức Giáo Hoàng Benedict XVI phê chuẩn phong chân phước cho sơ trong năm 2010.
 
Cặp vợ chồng là cha mẹ của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, ông Louis Martin và bà Celia Guerin. Trong năm 2009, họ được tuyên phong chân phước. Họ sẽ là cặp vợ chồng đầu tiên được phong thánh cùng nhau trong các lễ phong thánh tương tự. Và họ sẽ trở nên những vị thánh trong kỳ Thượng Hội Đồng về gia đình, để đánh dấu tầm quan trọng của người cha, người mẹ trong việc truyền giao đức tin cho con cái mình.

Dòng Tên

Vòng đàm phán thứ hai Trung Quốc-Vatican tại Bắc Kinh

Add Comment


Vòng đàm phán thứ hai Trưng Quốc-Vatican đã được tổ chức từ 11 tháng 10 tại Bắc Kinh. Cuộc họp được tổ chức trong bối cảnh một cuộc đàn áp tôn giáo quy mô lớn đang diễn ra ở Trung Quốc, trong đó nhà cầm quyền trung ương tìm cách thúc đẩy chính sách "Trung Hoa hóa" về tôn giáo ở nước này. Nhà nước tìm cách hạn chế, nếu không thể loại bỏ hoàn toàn, những ảnh hưởng từ bên ngoài.


Các báo cáo từ tỉnh Tứ Xuyên cho biết nhà cầm quyền Trung quốc đã buộc các linh mục phải viết một “bản tự kiểm” giải thích về sự hiểu biết của các ngài đối với chính sách Trung Hoa hóa và làm thế nào để vận dụng chính sách này trong các hoạt động mục vụ của họ.
 
Phái đoàn Vatican đã rời Trung Quốc hôm 14 tháng 10. Không có thông tin chính thức về những gì đã được thảo luận và những người tham gia trong vòng đàm phán này. Tuy nhiên, báo chí tại Hương Cảng cho biết phiá Trung quốc có các giới chức ngoại giao và cục tôn giáo vụ Trung quốc.
 
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã từng tham dự cuộc đàm phán vòng thứ nhất tại Trung Quốc vào năm 2009 khi ngài còn là thứ trưởng ngoại giao của Vatican.
 
Lý Thúy Dung

Kỷ niệm 50 năm lập Thượng Hội đồng Giám Mục

Add Comment


VATICAN. ĐTC Phanxicô cổ võ tinh thần đồng hành của mọi thành phần Dân Chúa, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Đức Chân Phước Phaolô 6 thiết lập Thượng HĐGM.

ĐTC cùng với các nghị phụ đã dành phiên họp toàn thể sáng 17-10-2015, để tiến hành việc kỷ niệm này, tại đại thánh đường Phaolô 6 ở nội thành Vatican. Hiện diện trong dịp này còn có ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, và nhiều đại diện của thành phần dân Chúa. Một ca đoàn trẻ em trình diễn các bài ca trong buổi lễ.

 Lên tiếng trong buổi kỷ niệm, ĐTC Phanxicô nhắc đến sự kiện các vị tiền nhiệm của ngài đều nói đến khả thể cải tiến cơ cấu và tổ chức Thượng HĐGM. Ngài cũng theo chiều hướng đó và muốn đẩy mạnh sự tham dự của Dân Chúa, các giáo dân, tu sĩ và LM, cũng như các GM vào tiến trình Thượng HĐGM qua các cuộc tham khảo ý kiến để chuẩn bị cho công nghị GM thế giới. Giáo Hội đồng nghĩa với ”Sinodo” nghĩa là ”Đồng Hành” như thánh Gioan Kim Khẩu đã quả quyết.

 Tiến trình đồng hành ấy cũng được biểu lộ qua sự lắng nghe, lắng nghe Dân Chúa, và đi tới cao điểm là lắng nghe Giám Mục Roma, không phải từ xác tín cá nhân của Người, nhưng trong tư cách là chứng nhân tối cao về đức tin của toàn thể Giáo Hội, người bảo đảm sự tuân phục và phù hợp của toàn thể Giáo Hội đối với thánh ý Chúa, với Tin Mừng của Chúa Kitô và Truyền Thống của Giáo Hội”.

 Ngoài ra, ĐTC thông báo ngài ghi nhận đề nghị tản quyền ”lành mạnh” về địa phương, để các Giáo Hội địa phương cứu xét và giải quyết nhiều vấn đề hơn.

 ĐTC cũng nhắc đến đặc tính đại kết của Giáo Hội đồng hành, và ngài nói: ”Tôi xác tín rằng, trong Giáo Hội đồng hành, cả việc thực thi quyền tối thượng của Phêrô cũng có thể nhận được ánh sáng rạng ngời hơn. Giáo Hoàng một mình không ở trên Giáo Hội, nhưng ở trong Giáo Hội như một người đã chịu phép rửa giữa những tín hữu đã chịu phép rửa, và trong Giám Mục đoàn như GM giữa các GM, đồng thời, trong tư cách là Ngừơi kế vị Tông Đồ Phêrô, Giáo Hoàng được kêu gọi hướng dẫn Giáo Hội Roma là Giáo Hội chủ trì toàn thể các Giáo Hội trong đức mến”.

 ĐTC nhắc lại lời Thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng mong muốn cùng với các Giáo Hội Kitô khác tìm ra một hình thức thực thi quyền tối thượng, tuy không hề từ bỏ điều thiết yếu trong sứ mạng của mình, để mở ra một tình trạng mới”.

 Các bài thuyết trình

 Đầu buổi kỷ niệm, ĐHY Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng HĐGM thế giới, đã gợi lại những giai đoạn nổi bật trong lịch sử 50 năm qua của Thượng HĐGM: từ khi được thành lập ngày 15-9 năm 1965 với Tự Sắc Apostolica sollicitudo của Chân Phước Phaolô 6, cho đến nay đã có 27 Thượng HĐGM, trong đó có 14 khóa họp thường kỳ, 3 khóa họp ngoại thường, và 10 Thượng HĐGM đặc thù, gồm các Thượng HĐGM đại lục và Thượng HĐGM Hòa Lan, Liban.

 14 Thượng HĐGM thường kỳ đã bàn về việc bảo tồn và củng cố đức tin Công Giáo, chức LM thừa tác và việc huấn luyện LM trong hoàn cảnh ngày nay, công lý trên thế giới, loan báo Tin Mừng, việc huấn giáo trong thời đại ngày nay, Thống hối và hòa giải, ơn gọi và sứ mạng của giáo dân, đời sống thánh hiến và sứ vụ mục vụ của Giám Mục, Thánh Thể và Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội, việc tái truyền giảng Tin Mừng, và có 2 Thượng HĐGM về gia đình.

 Tiếp lời ĐHY Baldisseri, mọi người đã xem một phim video ngắn về lịch sử Thượng HĐGM trong 50 năm qua, sau đó là 3 bài thuyết trình của một số Hồng y và Giám Mục đại diện cho 5 châu, bắt đầu là ĐHY Christoph Schoenborn, TGM giáo phận Vienne, Chủ tịch HĐGM Áo, ĐHY Vincent Nichols, TGM Westminster, Chủ tịch HĐGM Anh quốc, Đức Cha Matheu Madega, Chủ tịch HĐGM Gabon bên Phi châu, ĐHY Ezzati, TGM Santiago de Chile, Đức Thượng Phụ Louis Sako, Giáo Chủ Công Giáo Canđê, đại diện cho các Giáo hội Công Giáo Đông Phương. (SD 17-10-2015)



 G. Trần Đức Anh OP

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế Giới truyền giáo

Add Comment


VATICAN. Trong Sứ điệp nhân ngày Thế giới truyền giáo lần thứ 89, ĐTC Phanxicô đặc biệt khuyến khích người trẻ và giáo dân dấn thân truyền giáo.

 
 Ngày thế giới truyền giáo năm nay sẽ được cử hành vào chúa nhật 18-10 tới đây. Trong Sứ điệp công bố chúa nhật 24-5-2015, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, ĐTC khẳng định rằng người trẻ có khả năng làm chứng tá can đảm, có những công trình quảng đại và nhiều khi đi ngược dòng. Ngài mời gọi họ đừng để bị tước đoạt mất giấc mơ truyền giáo đích thực, theo Chúa Giêsu, và chấp nhận hiến thân trọn vẹn, vì việc loan báo Tin Mừng, trước khi là điều cần thiết cho những người chưa biết Chúa, thì đã là một nhu cầu đối với những ai yêu mến Chúa”.
 
 ĐTC cũng kêu gọi những người thánh hiến, các tu sĩ nam nữ, khi phục vụ sứ mạng truyền giáo, hãy thăng tiến sự hiện diện của các tín hữu giáo dân, can đảm cởi mở đối với những người sẵn sàng cộng tác vào kinh nghiệm truyền giáo, kể cả trong trường hợp ngắn hạn, vì ơn gọi truyền giáo là điều nội tại ở trong bí tích rửa tội và liên hệ tới tất cả mọi người.
 
 Trong phần đầu của Sứ điệp, ĐTC nhắc nhở rằng truyền giáo không phải là chiêu dụ tín đồ, hay là một chiến lược, nhưng là lòng say mê đối với Chúa Kitô, đối với dân chúng và Tin Mừng. Ngài cũng nhấn mạnh mối liên hệ mật thiết giữa đời sống thánh hiến và sứ vụ truyền giáo. ĐTC nhắc đến điều này trong bối cảnh Năm Đời sống Thánh Hiến đang được cử hành trong toàn Giáo Hội, và năm nay kỷ niệm 50 năm Sắc lệnh Ad Gentes của Công đồng chung Vatican 2 về công cuộc truyền giáo cho dân ngoại.
 
 ĐTC khẳng định rằng ”Ai theo Chúa Kitô thì không thể không trở thành thừa sai. Vì thế, những người thánh hiến được mời gọi lắng nghe Chúa Thánh Linh, và đi tới những biên cương rộng lớn, những ”khu vực ngoại ô” của các miền truyền giáo, nơi mà Tin Mừng chưa được truyền tới cho dân ngoại.
 
 Trong bối cảnh này, ĐTC nói đến một thách đố hàng đầu trong sứ vụ truyền giáo ngày nay là ”tôn trọng nhu cầu của mọi dân tộc, tái khởi hành từ các căn cội của mình và bảo tồn các giá trị của những nền văn hóa liên hệ. Thực vậy, mỗi dân tộc, và mỗi nền văn hóa đều có quyền được giúp đỡ trong truyền thống của họ, để hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa và đón nhận Tin Mừng. Ngoài ra, những người ưu tiên được đón nhận lời loan báo ấy chính là những người nghèo, những người bé nhỏ, yếu đau, bị coi rẻ và lãng quên, vì có một mối liên hệ không thể tách rời giữa đức tin và người nghèo”.
 
 Với ý hướng đó, ĐTC kêu gọi những người thánh hiến hãy bước theo Chúa Kitô trong sự chọn lựa ưu tiên dành cho người nghèo. Đây không phải là một chọn lựa ý thức hệ, nhưng là đồng hóa với người nghèo như Chúa đã làm, từ bỏ việc thực thi mọi quyền lực để trở nên anh em của những người rốt cùng, mang lại cho họ niềm vui Phúc Âm và tình bác ái của Thiên Chúa”.
 
 Sau cùng, ĐTC đề cao tầm quan trọng của sự cộng tác và hợp lực giữa GM Roma và các Hội dòng truyền giáo của Giáo Hội, để bảo đảm tình hiệp thông, để mang lại một hiệu năng lớn hơn cho sứ điệp Tin Mừng và thăng tiến sự tâm đầu ý hiệp, là một hoa trái của chính Chúa Thánh Linh” (SD 25-4-2015)
 
 G. Trần Đức Anh OP

Vị Đô trưởng Rôma mâu thuẫn với Đức Giáo Hoàng đột ngột từ chức

Add Comment


Đô trưởng Ignazio Marino của Rôma đã đột ngột từ chức vào ngày 9 tháng 10, sau một loạt các cáo buộc có hành vi sai trái về tài chính.

Marino được bầu làm Đô trưởng Rôma vào năm 2013. Ông đã phủ nhận đã có những việc làm sai trái và nói rằng ông đã bị tố cáo bất công vì chiến dịch của mình nhằm loại bỏ tham nhũng trong chính quyền của thành phố.

Tuy nhiên, ông đã bị mất đi sự ủng hộ chính trị từ nhiều phía. Chỉ một tuần trước đây, báo chí tại Rôma đã rộ lên những báo cáo cho thấy ông Marino có những mâu thuẫn với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Trong bối cảnh đó, tờ il Giornale trong bài Dagospia: "Monsignor Parolin ha chiesto le dimissioni di Marino" cho rằng theo sau những cáo buộc liên quan đến những sai trái về tài chính của Marino, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã kêu gọi ông này từ chức.

Tờ Quan Sát Viên Rôma nhận xét rằng việc từ chức của Đô trưởng Ignazio Marino khiến thành phố Rôma rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị, chỉ vài tuần trước khi khai mạc Năm Thánh. Người ta thi nhau đưa ra những đồn đoán liên quan đến chuyện này, nhưng tờ báo cho biết “có một điều chắc chắn nhất, đó là Rôma không đáng phải chịu như thế”.

Tưởng cũng nên nhắc lại, trong một cuộc trao đổi với các phóng viên trên chuyến bay từ Philadelphia trở về Rôma vào ngày 27 tháng 9, Đức Giáo Hoàng đã sử dụng một ngôn ngữ thẳng thừng để bác bỏ những báo cáo cho rằng Marino, người đã có mặt tại Đại hội thế giới của gia đình, đã đến Philadelphia theo yêu cầu của Đức Giáo Hoàng.

Ngài nói:

“Tôi đã không mời ông đô trưởng. Tôi nói như thế đã rõ ràng chưa?” Ngài còn nói thêm là các nhà tổ chức các sự kiện ở Philadelphia cũng đã không mời Marino.

Căng thẳng giữa Marino và Vatican đã hình thành và lớn dần vì sự hỗ trợ của vị đô trưởng này cho việc công nhận pháp lý “hôn nhân” đồng tính.

Tuy nhiên, các quan chức Vatican thường tránh xung đột với các quan chức địa phương. Đặc biệt là mối quan hệ giữa Tòa Thánh và thành phố Rôma sẽ tạo ra những ảnh hưởng mạnh vào những tháng tới, khi hàng triệu khách hành hương đổ về Rôma dự Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Khó khăn trong quan hệ giữa Đức Giáo Hoàng và thị trưởng Rôma đã được thấy rõ khi một đài phát thanh Italia gọi một cú điện thoại giả cho Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình. Giả vờ là Thủ tướng Ý Matteo Renzi, người gọi hỏi Đức Tổng Giám Mục về những căng thẳng giữa Đức Giáo Hoàng và đô trưởng Rôma. Đức Tổng Giám Mục Paglia nói rằng Marino “muốn lợi dụng” các cuộc họp tại Philadelphia để đẩy mạnh nghị trình phò đồng tính của mình, và điều này “thực sự gây khó chịu” cho Đức Giáo Hoàng.

Agence France-Presse cũng đã tung ra một câu chuyện trong đó trích thuật Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Marino “chỉ giả vờ là một người Công Giáo.” Tuy nhiên, AFP không cho biết đó là nguồn gốc của lời trích dẫn này.


Đặng Tự Do

Giáo Hoàng xin lỗi vì những gương mù gần đây ở Roma và Vatican

Add Comment


VATICAN. ĐTC xin lỗi vì những gương mù gần đây ở Roma và Vatican, và mời gọi các bậc cha mẹ luôn thi hành những lời hứa với trẻ em.
 
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư, 14-10-2015 tại Quảng trường thánh Phêrô dành cho khoảng hơn 40 ngàn tín hữu.
 
 Trước khi tiến ra Quảng trường, ngài đã vào Đại thính đường Phaolô 6 để chào thăm các bệnh nhân tại đây và nói đùa: ”Hôm nay trời có thể mưa, anh chị em ở Hội trường này và có thể theo dõi tất cả từ đây. Tôi hy vọng anh chị em thoải mái, và nếu ai muốn uống cà phê thì có thể xin, nhưng tôi không cam đoan là họ sẽ mang đến cho anh chị em!”
 
 Rồi ĐTC dùng xe màu trắng đi ra quảng trường, tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu. Khi ngài lên đến bục cao, mọi người đã cùng nhau tôn vinh Lời Chúa qua bài Tin Mừng trích từ Phúc Âm theo thánh Mathêu, đoạn 18, ghi lại lời Chúa Giêsu lên án những gương mù gương xấu, và Chúa kêu gọi khinh rẻ và gây gương mù cho các trẻ em.
 
 Bài huấn giáo của ĐTC
 
 Trong bài huấn dụ tiếp đó, ĐTC đã nói về đề tài: ”Lời hứa với các trẻ em.” Đây là bài thứ 29 trong loạt bài huấn giáo của ngài về gia đình.
 
 Sau lời chào thăm, ĐTC cho biết vì hôm nay thời tiết bất ổn, dự báo thời tiết nói là sẽ mưa, nên buổi tiếp kiến hôm nay diễn ra đồng thời tại 2: ở quảng trường này với tại Đại thính đường Phaolô 6 có 700 bệnh nhân theo dõi qua màn hình. Ngài yêu cầu mọi người hiện diện vỗ tay chào các tín hữu bệnh nhân ấy.
 ĐTC cũng nói rằng:
 
 ”Trước khi bắt đầu bài giáo lý, nhân danh Giáo Hội, tôi muốn xin lỗi anh chị em vì những gương mù đã xảy ra gần đây tại Roma và Vatican. Tôi xin lỗi anh chị em”.
 
 ”Hôm nay chúng ta suy tư về một đề tài rất quan trọng: những lời chúng ta hứa với các trẻ em. Tôi không nói về những lời hứa mà thỉnh thoảng trong ngày chúng ta nói với các trẻ em, để làm cho các em hài lòng hoặc làm cho các em ở yên - có khi với vài mưu kế vô tội-, để các em dấn thân chăm chỉ học hành hoặc để ngăn cản các em đừng làm điều gì đó. Tôi nói về những lời hứa quan trọng hơn, có tính chất quyết định đối với những mong đợi của các em đối với cuộc sống, niềm tín nhiệm của các em đối với con người, đối với khả năng của các em ý thức về danh Thiên Chúa như một phúc lành.
 
 ”Người lớn chúng ta sẵn sàng nói về các em như một lời hứa, một triển vọng của cuộc sống. Và chúng ta cũng dễ cảm động, khi bảo các trẻ em là tương lai của chúng ta. Nhưng tôi tự hỏi, nhiều khi chúng ta có nghiêm túc như vậy đối với tương lai các em hay không! Một cầu hỏi mà chúng ta thường phải đặt ra cho mình là: ”chúng ta thành thực thế nào đối với những lời chúng ta hứa với các trẻ em, làm cho các em đi vào thế giới của chúng ta.”
 
 ”Tiếp đón và săn sóc, gần gũi và quan tâm, tin tưởng và hy vọng, đó là những lời hứa căn bản, có thể được tóm trong một lời hứa duy nhất, đó là thương yêu. Đây là cách thức tốt nhất để đón nhận một con người sinh ra trong trần thế và tất cả chúng ta đều học điều đó, trước khi ý thức về điều ấy. Đó là một lời hứa mà người nam và người nữ hứa với mỗi người con: ngay từ khi người con được thụ thai trong tư tướng. Các trẻ em đến trần thế và mong đợi có sự khẳng định lời hứa này: các em mong đợi điều ấy một cách hoàn toàn, tín thác và tin tưởng trọn vẹn. Chỉ cần nhìn các em: trong mọi chủng tộc, mọi nền văn hóa, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống! Khi xảy ra điều trái ngược, thì các em bị thương tổn vì một ”gương mù” không thể chịu đựng được; tình trạng ấy càng trầm trọng hơn, xét vì các em không có phương tiện để hiểu rõ gương mù ấy. Thiên Chúa giám sát lời hứa ấy ngay từ lúc đầu tiên. Anh chị em có nhớ Chúa Giêsu nói gì không? Các thiên thần của các em phản ánh cái nhìn của Thiên Chúa và Thiên Chúa không bao giờ quên nhìn các em (Xc Mt 18,10). Khốn cho những kẻ phản bội lòng tín nhiệm của các em, khốn cho những kẻ ấy! Lòng tín thác tin tưởng của các em nơi lời hứa của chúng ta, đòi chúng ta phải dấn thân ngay từ lúc đầu tiên, niềm tín thác ấy xét xử chúng ta.
 
 ”Tôi muốn thêm một điều khác nữa, với lòng tôn trọng tất cả mọi người, nhưng cũng rất thẳng thắn. Không bao giờ được làm thương tổn lòng tín thác tự nhiên của các em nơi Thiên Chúa, nhất là khi điều ấy xảy ra vì một sự tự mãn nào đó, hơn kém ý thức, muốn thay thế Chúa. Tương quan dịu dàng và huyền nhiệm của Thiên Chúa với tâm hồn các trẻ em không bao giờ được vi phạm. Trẻ em sẵn sàng ngay từ lúc mới sinh để cảm thấy được Thiên Chúa yêu mến. Vừa khi có khả năng cảm thấy mình được yêu thương vì chính mình, thì một người con cũng cảm thấy rằng có một Thiên Chúa yêu thương các trẻ em.
 
 Tiếp tục bài huấn giáo, ĐTC nói:
 
 ”Vừa mới sinh ra, các trẻ em đã bắt đầu nhận được như hồng ân, cùng với sự nuôi dưỡng chăm sóc, sự xác nhận chất lượng tinh thần của tình thương. Những cử chỉ yêu thương diễn ra qua sự đặt tên, chia sẻ ngôn ngữ, những ý hướng qua cái nhìn, những nụ cười rạng ngời. Qua đó, các em học thấy vẻ đẹp của tình người chiếu vào tâm hồn chúng ta, tìm tự do, chấp nhận sự khác biệt của tha nhân, nhìn nhận và tôn trọng tha nhân như người đối thoại. Một phép lạ thứ hai một lời hứa thứ hai: ba má là cha mẹ, hiến thân cho con, để ban con cho chính con! Và đó là tình yêu, đưa lại một tia sáng tình thương của Thiên Chúa!


 “Chỉ khi nào chúng ta nhìn các trẻ em với đôi mắt của Thiên Chúa, chúng ta mới thực sự hiểu rằng khi bảo vệ gia đình, tức là chúng ta bảo vệ nhân loại! Quan điểm của các trẻ em là quan điểm của Con Thiên Chúa. Chính Giáo Hội, trong phép rửa tội, dành cho các em những lời hứa long trọng, qua đó Giáo Hội yêu cầu sự dấn thân của cha mẹ và cộng đoàn Kitô. Xin Mẹ thánh thiện của Chúa Giêsu - qua đó Con Thiên Chúa đến với chúng ta, được yêu thương và sinh ra như một hài nhi, - làm cho Giáo Hội có khả năng tiến bước trên con đường mẫu tử và đức tin của Mẹ. Và xin Thánh Giuse - là một người công chính, đã đón nhận và bảo vệ Chúa, cản đảm tôn trọng phúc lành và lời hứa của Thiên Chúa - làm cho chúng ta đáng được đón nhận Chúa Giêsu nơi mỗi hài như mà Thiên Chúa gửi tới trái đất này.
 
 Chào thăm
 
 Sau khi ĐTC hết thúc bài giáo lý dài bằng tiếng Ý, các LM đã tóm lược bài này bằng nhiều sinh ngữ khác kèm theo những lời chào thăm của ĐTC.
 
 Khi chào các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC đặc biệt nhắc đến các tín hữu đến từ Cộng hòa dân chủ Congo và Pháp cũng như các tu huynh Thánh Tâm. Ngài nói: ”Trong khi Thượng HĐGM đang tiến hành về đề tài gia đình, tôi cầu nguyện cho tất cả các gia đình của anh chị em, đặc biệt cho các trẻ em, để chúng ta quan tâm khơi lên nơi các em tình thương của Thiên Chúa và các anh chị em của chúng!
 
 Khi chào bằng tiếng Anh, ĐTC nhắc đến các tín hữu hành hương đến từ Anh, Ecosse, Ai Len, Na Uy, Hòa Lan, Australia, Papua tân Guinea, Ấn độ, Nhật bản, Thái Lan, Canada và Hoa Kỳ. Ngài nói: ”Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho Thượng HĐGM về gia đình, và hãy trở thành những chứng nhân về sự hiện diện liên lỷ của Thiên Chúa trong thế giới, qua cuộc sống gia đình của anh chị em.”
 
 Trong lời chào thăm các tín hữu Arập, ĐTC đặc biệt nhắc đến nhóm người tị nạn Irak và Siria hiện diện tại buổi tiếp kiến.
 
 Và với các tín hữu Ba Lan, ngài nhắc đến lễ kính chân phước Honorat Kozminski, một vị rất có lòng kính mến Đức Mẹ, đã dùng máu mình để viết lên lời kinh phó thác cho Đức Mẹ: Totus tuus, toàn thân con thuộc về Mẹ. Chân phước đã thành lập nhiều dòng tu, nhất là có đời sống ẩn dật. Hài cốt của chân phước Kozminski sẽ được trưng bày từ thứ bẩy tới đây tại Nguyện Đường các vĩ nhân Ba Lan ở bên trong Đền thờ Chúa Quan Phòng ở thủ đô Varsava. Trong năm Đời sống thánh hiến và tuần cửu nhật thứ 8 chuẩn bị mừng kỷ niệm 100 năm chân phước qua đời, nhờ lời chuyển cầu của Người, chúng ta hãy cầu xin tinh thần trung tín cho tất cả những người thánh hiến và hồng ân được nhiều ơn gọi thánh thiện.
 
 Sau cùng, ĐTC nói bằng tiếng Ý:
 
 ”Thứ bẩy tới đây, 17-10, là ngày Thế giới chống lầm than. Ngày này được đề xướng để gia tăng nỗ lực loại trừ nghèo đói cùng cực và sự kỳ thị, để đảm bảo cho mỗi người cơ hội thực thi trọn vẹn các quyền căn bản của mình. Tất cả chúng ta đều được mời gọi đón nhận ý nguyện đó, để lòng bác ái của Chúa Kitô đi tới và an ủi nâng đỡ các anh chị em nghèo túng nhất và bị bỏ rơi.”
 


 
 G. Trần Đức Anh OP

Nhà trọ cho người vô gia cư ở Vatican đã mở cửa

Add Comment


Thứ tư 7 tháng 10 vừa qua, nhà trọ cho người vô gia cư ở gần Quảng trường Thánh Phêrô đã được khánh thành và đã bắt đầu đón nhận người vô gia cư. Theo ý nguyện của Đức Phanxicô, nhà trọ đã được Quỹ bác ái của giáo hoàng thực hiện và do Tổ chức đặc trách dịch vụ từ thiện của Đức giáo hoàng quản trị, Giám mục Konrad Krajewski đứng đầu tổ chức này.

Căn nhà có tên “Chúa nhật của Lòng thương xót”, có thể tiếp 34 người vô gia cư nam và do các nữ tu Dòng Mẹ Têrêxa Calcutta chăm lo. Các người vô gia cư ngủ ở đây và ăn sáng ở nhà “Quà Mẹ Maria” gần đó. Căn nhà này có 50 giường dành cho các người vô gia cư nữ và có khoảng 30 người ở đây thường xuyên. Dòng Mẹ Têrêxa cũng chăm lo các trung tâm khác ở gần ga Termini, Rôma và San Gregorio al Celio.

Tháng 11-2015, Đức Phanxicô đi thăm Uganda

Add Comment
Kampala, 12.10.2015 – Hội đồng Giám mục Uganda cho biết, có 2 800 linh mục sẽ chờ Đức Phanxicô ở thánh lễ ngoài trời tại Đền thờ Các Thánh Tử đạo Namugongo,
Pope-Francis-in-Uganda.jpg

Theo nhật báo địa phương “The Monitor”, Đức Giáo hoàng sẽ đến Uganda vào ngày 27 đến 29 tháng 11 sắp tới, đây là chuyến đi Phi Châu đầu tiên từ khi Đức Phanxicô nhậm chức ngày 13 tháng 3-2013. Các nhà tổ chức tiên đoán sẽ có 2 triệu giáo dân đến tham dự thánh lễ này.

Ngoài ra các giám mục Uganda cũng dự trù 1 000 ghế dành cho các tu sĩ sẽ nhường cho các nhân vật khác. Họ cũng dự trù sẽ mở cửa Đền thánh một ngày trước để các khách mời có thể đến đây dễ dàng.





Thăm một nhà thờ Tin Lành

Trẻ em sẽ được ưu tiên ở đàng trước vì Đức Giáo hoàng có thói quen chọn ngẫu nhiên các em bé để ôm hôn và chúc lành. Ngoài thánh lễ, Đức Phanxicô sẽ đến thăm nhà thờ Tin Lành Nakiyanja ở gần Đền thánh và sẽ tiếp kiến tại chỗ các nhà lãnh đạo Anh giáo.

Đối với các giám mục Ouganda, Đức Phanxicô sẽ là “người xây cầu” cho xứ sở họ vì đất nước họ bị nạn chia rẽ giữa các chính trị gia và sự thiếu thỏa thuận trong các vấn đề quốc gia.
“Có một hố chia cắt đáng báo động giữa đức tin chúng tôi tuyên xưng và cuộc sống của chúng tôi”

Trong lời kêu gọi canh tân đời sống thiêng liêng nhân dịp Đức Phanxicô đến thăm, các giám mục công giáo Uganda nêu lên rất nhiều thử thách mà họ quan tâm đặc biệt, nhất là “hố chia cắt đáng báo động giữa đức tin chúng tôi tuyên xưng và cuộc sống của chúng tôi. Chẳng hạn, sự ngược nhau giữa Tin Mừng và một số truyền thống Phi Châu. Ví dụ nạn đa thê, nạn sống chung trước hôn nhân, hôn nhân thử, nạn đồng bóng, và còn thêm các vấn đề khác như ngoại tình, bạo lực trong gia đình và các lạm dụng trẻ con.

Đức Phanxicô sẽ là giáo hoàng thứ ba đến thăm Uganda sau Đức Giáo hoàng Phaolô VI năm 1969 và Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II năm 1993.

(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 13.10.2015/)

cath.ch, Ibrahima Cissé, 2015-10-12

Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi chống nạn buôn bán ma túy và buôn người

Add Comment
Trong một diễn văn hôm 08 tháng 10 tại Liên Hợp Quốc về vấn đề tội phạm, Đức Tổng Giám mục Bernard Auza, đại diện thường trú của Tòa Thánh tại trụ sở New York, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có những quyết tâm mới nhằm chống lại nạn buôn bán ma túy bất hợp pháp và buôn người.

Đức Cha Bernard Auza nói:

“Lạm dụng ma túy bất hợp pháp phá hủy các cấu trúc xã hội của từng gia đình, di căn đến cộng đồng, và cuối cùng dẫn đến sự mất ổn định của xã hội dân sự”.

Trích dẫn lời Đức Giáo Hoàng Đức Thánh Cha Phanxicô, trong diễn từ ngài nói trong cuộc gặp gỡ các quan chức thực thi pháp luật chống ma túy quốc tế, ngài nói: “Ma túy là một sự ác, và với cái ác chúng ta không thể đầu hàng hay thỏa hiệp.”

Đức Tổng Giám Mục nói tiếp rằng Tòa Thánh “không thể nào diễn tả cho hết nỗi buồn vô hạn và sự quan tâm của mình về sự gớm ghiếc của nạn buôn người.”


(Đặng Tự Do, VCN 11.10.2015)

Chuyến tông du Hoa Kỳ của Đức Thánh Cha Phanxicô đem lại nhiều cảm tình của người dân Mỹ với Công Giáo

Add Comment
Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết 65% những người không Công Giáo tại Hoa Kỳ bày tỏ cảm tình với Đức Thánh Cha Phanxicô sau chuyến tông du của ngài tại Hoa Kỳ từ 22 đến 27 tháng Chín vừa qua. Những người này cũng bày tỏ cảm tình với đạo Công Giáo.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã là vị Giáo Hoàng thứ Tư đến thăm Hoa Kỳ.

Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã là vị Giáo Hoàng đầu tiên thăm Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 1965.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viếng thăm Hoa Kỳ 7 lần. Lần đầu là vào ngày 10 tháng Giêng năm 1979 và lần cuối là vào ngày 26 tháng Giêng năm 1999.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã thăm Hoa Thịnh Đốn và New York trong thời gian từ 15 đến 20 tháng Tư năm 2008.

14% những người không Công Giáo cho biết họ không thích Đức Thánh Cha Phanxicô, trong khi 21% nói rằng họ không thể đưa ra lời bình luận nào ngài.


(Đặng Tự Do, VCN 11.10.2015)