Kỷ niệm một năm cuộc bách hại các kitô hữu tại Iraq.


Kỷ niệm một năm cuộc bách hại các kitô hữu tại Iraq.
Phỏng vấn ông Stefano Nanni nhân viên cứu trợ nhân đạo tại Iraq
** Cách đây đúng một năm, ngày mùng 7 tháng 8 năm 2014 đã có 120.000 kitô hữu phải trốn chạy khỏi thành phố Mossul, sau khi thành phố này rơi vào tay các lực lương thánh chiến hồi giáo của Nhà nước Hồi IS. Họ đã phải bỏ lại sau lưng mọi sự và ra đi ngay ban đêm, chỉ vỏn vẹn với manh áo trên người. Các lực lượng dân quân Hồi đưa ra cho họ ba điều kiện: một là phải theo Hồi giáo, hai là phải trả thuế tôn giáo nếu muốn ở lại sống tại đây, ba là ra đi hay chết. Và các kitô hữu đã lựa chọn ra đi. Cũng đã có nhiều người bị sát hại. Họ bồng bế nhau hướng tới các thành phố trong vùng Kurdistan chưa bị các lực lượng hồi chiếm đóng. Cùng phải chạy trốn cũng có các người hồi Yazidi. Cho tới nay các người tỵ nạn Iraq vẫn phải tiếp tục sống trong các trại tỵ nạn, hay ở bất cứ chỗ nào họ có thể dừng lại, và phải sống trong cảnh bấp bênh không biết đến bao giờ mới có thể trở về các thành phố và làng mạc của họ trong bình nguyên Ninive.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị một số nhận định của ông Stefano Nanni, nhân viên cứu trợ nhân đạo thuộc hiệp hội “Một cây cầu cho” và là quan sát viên Iraq trong vùng Dohuk, nơi có đông người tỵ nạn tụ họp.
Hỏi: Thưa ông Nanni, ông có thể nhắc lại chuyện gì đã xảy ra cho các kitô hữu Iraq cách đây một năm  hay không?
Đáp:  Cách đây một năm ngày mùng 10 tháng 6 khi thành phố Mossul và các thành phố và làng mạc chung quanh bị đánh chiếm, đã xảy ra một cuộc xuất hành vĩ đại cho tới nay đã  khiến cho khoảng 1,3  triệu người phải di cư và trở thành người tỵ nạn trong vùng Kurdistan tự trị. Vào tháng 6 đã có làn sóng người tỵ nạn đầu tiên, nhất là các kitô hữu,  hướng về thành phố Erbil. Đã từ lâu vùng Erbil đuợc coi là một vùng khá an toàn đối với cộng đoàn kitô, và cả ngày nay nữa có thể ghi nhận điều này trong khu phố kitô Ainkawa, nơi có rất đông người đang tìm tái xây dựng một cuộc sống bình thường. Nhưng rất tiếc đây không phải là diều dễ dàng. Tiếp theo đó các cuộc tấn công khác từ phía các lực lượng của Nhà nưóc Hồi đã tạo ra các làn sóng di cư tỵ nạn khác nữa hướng về thành phố Erbil và Sulaymaniyah. Chỉ trong vòng 10 ngày đầu tháng 8 năm ngoái đã có khoảng 500.000 người chạy trốn khỏi tỉnh Ninive, hầu như sát biên giới với Siria. Cho đến nay vẫn còn có 800.000 người tỵ nạn trong tỉnh Dohuk, nơi quy tụ đông người tỵ nạn nội địa nhất Iraq.
Hỏi: Thưa ông, đã có rất đông kitô hữu phải sống trong hoàn cảnh khó khăn tột cùng. Họ là các người tỵ nạn, phải sống trong các thành phố khác,, trong các vùng khác của quốc gia. Sau một năm phải chạy trốn, tình trạng sống của họ hiện nay ra sao?
Đáp: Sau một năm rất tiếc tình trạng của họ đã không khả quan hơn, bởi vì chúng ta tất cả đều biết rằng các vụ đụng độ trên đất đã không đưa tới chỗ tái chiếm các vùng bị mất từ phía quân đội của chính quyền trung ương Iraq, từ các lực lượng peshmerga và từ liên minh quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo. Hàng ngàn người phải sống trong các trại tỵ nạn. Trong tỉnh Đohuk nơi tôi đang ở có tới 16 trại tỵ nạn. Phải buồn lòng mà nói rằng các trại tỵ nạn này xem ra đang hướng tới tình trạng thành thị hơn, nhưng trong các trại có các việc phục vụ hoạt động bình thường ít nhiều hữu hiệu. Nhưng tình  trạng của những người sống ngoài các trại tỵ nạn thì hỗn loạn và phức tạp hơn. Sự quảng đại của dân chúng địa phương đối với người tỵ nạn cũng suy giảm sau một năm. Tình trạng cấp thiết lên cao độ vào năm ngoái với các làn sóng người tỵ nạn tràn tới, rồi sau đó là mùa đông khá khó khăn, nhưng từ ba tháng nay thì trới nóng đến nghẹt thở lên tới 40-50 độ C. Và đây là một vấn đề rất nghiêm trọng khác nữa. Người ta cũng nói tới việc giảm ngân khoản, bởi vì tình hình chiến sự trên đất rất là hỗn loạn.
Hỏi: Trước khi xảy ra các biến cố kinh khủng này trong vùng Ninive các cộng đoàn tôn giáo và văn hóa khác nhau sống chung với nhau. Tình hình bây giờ ra sao?
Đáp: Iraq là một vùng nơi đã từ luôn luôn có rất nhiều nền văn hóa và tôn giáo chung sống với nhau. Nhà nước Hồi giáo chỉ là một sản phẩm cuối cùng của các sách lược chính trị tội phạm đội lốt tôn giáo, được tái duyệt xét trong 15 năm trở lại đây thôi. Các đường lối chính trị tôn giáo đã do nguyên thủ tướng Nouri al Maliki khởi xướng, đã được Hoa Kỳ yểm trợ sau thời kỳ hậu xâm lăng, và Iran cũng hướng tới chỗ tạo thuận tiện cho các thành phần Sciít tại Iraq kỳ thị các người Sunnít, và nói chung tất cả mọi nhóm thiểu số khác. Sự kiện này trong 15 năm qua đã đưa tới cuộc di cư của các kitô hữu, các người Hồi Yazidi và Turcomane về mạn bắc Iraq. Các kitô hữu tại Iraq đã là 800.000 tới 1 triệu người trước năm 2003, hiện nay chỉ còn khoảng 500.000 và rất nhiều người muốn bỏ nước ra đi. Trong các ngày đầu tháng 8 tôi đã liên lạc với 10 gia đình kitô tỵ nạn trong một trung tâm văn hóa Assiri tại Dohuk, và câu nói thông thường nhất của họ là “Ở đây không còn một chỗ an ninh nào cho chúng tôi nữa”. Có rất nhiều người tìm cách sang Âu châu hay ra khỏi Iraq với các phương tiện bất hợp pháp, và giá phải trả xê xích giữa 10 và 12 ngàn mỹ kim.
** Trong khi đó nước Siria láng giềng của Iraq từ hơn 4 năm nay cũng đang phải sống thảm cảnh nội chiến không có lối thoát và nguy cơ bành trướng của Nhà nước Hồi giáo ngày càng gia tăng. Một bên là tổng thống Bashar Al Assad tham quyền cố vị, thản nhiên ra lệnh bắn giết, bỏ bom tàn sát người dân,  bên kia là phe đối lập và hàng chục lực lượng vũ trang khác nhau, với đủ mọi thành phần, kể cả lính đánh thuê nước ngoài. Đuợc Nga và Iran hỗ trợ, tổng thống Al Assad nhất quyết không ra đi, và thản nhiên nhìn quốc gia Siria tân tiến biến thành các đống gạch vụn, với hơn 300.000 người chết, mấy triệu người tỵ nạn ở nước ngoài và hơn 6 triệu người phải di tản trong nước. Hồi đầu tháng 8 vừa qua các lực lượng thánh chiến của Nhà nước Hồi giáo đã tấn công thành phố Al Qaryatain và bắt cóc hàng chục thường dân, gồm cả phụ nữ và trẻ em, trong đó có nhiều kitô hữu.
Sau đây là một số nhận định của ĐTGM Mario Zenari, Sứ Thần Tòa Thánh tại Damasco.
Hỏi: Thưa Đức Sứ Thần Tòa Thánh, Đức Sứ Thần nghĩ gì về vụ tấn công thành phố Al Qaryatain, nơi cách đây mấy năm có các cộng đoàn kitô và hồi giáo chung sống trong hài hòa?
Đáp: Tôi đã có kỷ niệm đẹp với thành phố Al Qaryatain, nằm trên đường dẫn tới thành phố Homs và hướng về Palmira. Đó là vào tháng 9 năm 2010, khi tôi được mời, với tư cách là Sứ Thần Tòa Thánh, đến khánh thành một nhà thờ xây hồi thế kỷ thứ VI vừa được tu sửa xong: Đó là đan viện Mar Elian. Lễ nghi đã diễn ra rất đẹp với sự tham dự của toàn cộng đoàn. Đã có sự chung sống hài hoà giữa tín hữu kitô và tín hữu hồi. Tôi nhớ là đã có cha sở Jacques Murad, cha Paolo Dall’ Oglio là người đã dịch bài giảng lễ của tôi ra tiếng A rập. Sau đó tôi đã được hai cha tháp tùng viếng thăm thành phố. Hai cha đã bị bắt và tôi hy vọng hai cha mau được trả tự do. Thành phố này đã là biểu tượng của sự chung sống hòa bình, như khắp nơi trong nước Siria trước khi có chiến tranh. Khi nghĩ tới lễ khánh thành nhà thờ tại Al Qarayatain cách đây 5 năm, tôi ước mong và hy vọng rằng có thể cử hành và mừng lễ việc trùng tu và tái thiết các nhà thờ bị hư hại tại khắp nơi trong nước Siria; các nơi thờ tự, nhưng nhất là việc tái thiết bức khảm đá mầu sống động của các chủng tộc khác nhau là nước Siria, được tái trùng tu sớm chừng nào có thể.
Hỏi: Có thật là Siria đã luôn luôn là nơi chung sống hòa bình giữa các chủng tộc và tôn giáo, hầu như là một mẫu gương cho các dân tộc khác của vùng Trung Đông, như Đức Sứ Thần nói hay không?
Đáp: Vâng, thật vậy, tôi nói nó là một gương mẫu cho sự chung sống hài hòa. Tôi nhớ diễn văn của ĐTC nhân dịp đại sứ Siria cạnh Tòa  Thánh đến trình thư uỷ nhiệm. ĐTC đã nêu  bật khía cạnh của việc sống chung gương mẫu này. Tôi xin nói rằng dấn thân của các kitô hữu đã luôn luôn như là cây cầu trong thời điểm chia rẽ, thù hận và báo oán này của quốc gia Siria. Và đặc thái của các kitô hữu phải là xây cầu hôm nay và ngày mai.
Hỏi: ĐTC Phanxicô liên lỉ gần gũi dân nước Siria,  cả trong việc đặt lên hàng dầu tình trạng của các dân tộc này, rất tiếc nhiều lần bị cộng đoàn quốc tế lãng quên, có đúng thế không thưa ĐC?
Đáp: Theo như tôi biết và theo kinh nghiệm của tôi, ĐTC Phanxicô liên tục theo dõi tình hình, ngài hỏi tin tức và cập nhật tin tức liên quan tới Siria. Trong lần tiếp kiến cuối cùng ngài dành cho tôi, tôi đã có thể nhận ra nỗi đau khổ của dân nước Siria hiện diện biết bao trong tim ngài. ĐTC mang nỗi khổ đau của tất cả mọi người dân Siria và toàn vùng Trung Đông trong tim ngài: nỗi khổ đau của các kitô hữu cũng như những khổ đau đang xảy ra trong các ngày này. Không phải chỉ có ĐTC cầu nguyện, ngài kêu gọi cộng đồng quốc tế và ủng hộ mọi công tác có thể yểm trợ được mà Giáo Hội có thể góp phần để xoa dịu các nỗi khổ đau ấy. Vì thế ĐTC kêu gọi công đồng quốc tế không chỉ cầu nguyện thôi, nhưng dấn thân trợ giúp các người dân tội nghiệp này một cách cụ thể.
(RG 7-8-2015)
Linh Tiến Khải
Nguồn tin: Vatican

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »