Cách Đức Giáo hoàng chinh phục nước Mỹ

Trong chuyến đi Mỹ của mình, Đức Phanxicô đã có phong cách nồng ấm và liên kết để đưa ra sứ điệp tận căn bảo vệ công chính xã hội.


Washington,  Philadelphie, New York. Đức Phanxicô đã thực sự chinh phục nước Mỹ ở ba nơi, ba thì, ba dạng quần chúng – tín hữu, giới chính trị và các đại diện xã hội dân sự – ở ba thành phố tiêu biểu nhất của mạn Đông nước Mỹ.

Đúng ra đây không phải là thành công quần chúng: đây là thành công với một biển người. Ngược với lo sợ của ban tổ chức, số người tham dự vượt mục tiêu và mong chờ, con số này lên đến hàng triệu người. Đương nhiên trước hết, Đức Phanxicô đã làm cho người công giáo xúc động, nhưng ngài cũng lôi cuốn sự chú ý của các tín hữu ở các giáo phái Kitô khác, nói cho đúng với tất cả tầng lớp quần chúng khác trong chuyến tông du sáu ngày của ngài ở Mỹ. Ngoài hai thánh lễ khổng lồ ở Philadelphia và Washington (lễ phong thánh cho chân phước Junípero Serra, đây là lần đầu tiên một thánh lễ như vậy được tổ chức ở Mỹ), ngài còn đọc diễn văn ở Nhà Trắng, Washington, còn đi thăm một trường học công giáo ở khu Harlem, New York, còn gặp tù nhân ở Trung tâm Cải huấn Curran-Fromhold, Philadelphia, một chuyện chưa từng có đối với một giáo hoàng. Ngài còn đến Ground Zero để dự một buổi cầu nguyện liên tôn, ngài đến Liên Hiệp Quốc đọc một bài diễn văn mãnh liệt, bài diễn văn đi ngược với đường lối chính trị của các chính trị gia. Ngài gặp năm nạn nhân các vụ bê bối tình dục do các linh mục gây ra, ngài viếng thăm các Nữ tu Dòng Tiểu muội ở Philadelphia, những người chống cải cách chương trình y tế của Obama, một chương trình bắt các công ty  phải trả các chi phí mua thuốc ngừa thai cho nhân viên. Các can thiệp và các hành vi của giáo hoàng đưa ra có thể hơn các vị tiền nhiệm của ngài, Giáo hội công giáo mở ra với tất cả mọi người, nhất là với người nghèo. Đặc biệt Đức Phanxicô đã thể hiện sự phù hợp của Giáo hội trong lãnh vực xã hội và giáo dục.

Ngoài các bài diễn văn của Đức Giáo hoàng, điều ngạc nhiên là rất nhiều người rõ ràng bị xúc động đến tận tâm can khi nghe ngài nói hoặc nhìn cử chỉ của ngài, cũng có rất nhiều người khóc. Từ người giáo dân bình thường đến các nhà lãnh đạo chính trị, không ai có thể dửng dưng. Ông John Boehner, người công giáo, Chủ tịch Đảng Cộng hòa, Chủ tịch Hạ viện đã rất xúc động giải thích, cuộc gặp với Đức Giáo hoàng ngày 24 tháng 9 đã giúp cho ông dễ dàng hơn trong quyết định từ chức của mình, một quyết định rất khó (!) vì chức vụ của ông trong một đảng đang qua cơn sóng gió. Hay ông Andrew Cuoma, thống đốc Đảng dân chủ ở Bang New York đã “chấn động mãi mãi” vì Đức Giáo hoàng đã ban phép lành cho người vợ đang bị ung thư, người vợ này ông chưa làm đám dưới.

Để hiểu các loại phản ứng này, không phải là để lên báo, chúng ta cần xem qua bối cảnh. “Chưa bao giờ Giáo hội, Giáo hội công giáo Mỹ nói chung, cần một sứ điệp toàn quốc như vậy. Chúng ta bệnh vì các chia rẽ chính trị và tôn giáo, chúng ta bệnh vì các bất bình đẳng về kinh tế và xã hội. Đức Giáo hoàng đến để nhắc cho chúng ta rằng hiệp nhất và đoàn kết là điều có thể làm được, không phải chỉ ở trong nội bộ công giáo”, ông Patrick Jordan giải thích, ông Jordan là bình luận gia chính trị và giám đốc báo Commonwheal, một tạp chí công giáo ở New York.

“Chúng ta hiểu giáo hoàng này và giáo hoàng này hiểu chúng ta. Đó là “người của chúng ta ở Vatican!”, ông Paul Elie tin chắc như thế, ông là người viết khảo luận về công giáo trong môi trường đại học, chuyên gia trong các quan hệ giữa tôn giáo và chính trị.

Trong một sự thấu hiểu về đất nước

Trong bài diễn văn đọc trước Nghị viện Mỹ ngày 24 tháng 9, Đức Phanxicô cho thấy mình thấu hiểu đất nước này. Vừa nhấn mạnh phải khẩn cấp làm việc nhiều hơn về mặt công chính xã hội, một chủ đề nổi trội gần như trong tất cả các bài diễn văn của Đức Giáo hoàng, vừa nhắc lại các nghị viện cực kỳ chia rẽ của họ, rằng họ có trong lịch sử của mình các nguồn tài lực cần thiết để vượt lên các chia rẽ này. Ngài đã nêu lên bốn nhân vật tiêu biểu trong đó có bà Dorothy Day, người chủ hòa và chống chủ nghĩa tư bản, nữ sáng lập gia Phong trào Lao động Công giáo (Catholic Worker), một phong trào đón nhận người vô gia cư. Sự chú ý của ngài đối với một người triệt để như thế có thể làm ngạc nhiên ở một nước mà người ta chỉ chú trọng đến các giá trị vật chất, đến thành tựu cá nhân, nhưng Đức Phanxicô đã biết dùng nó một cách tích cực, như một trong các khía cạnh khác của nước Mỹ, nó cũng mang tính ngôn sứ khi cần phải mang. Một cách tổng quát, ngài biết tìm khía cạnh toàn diện và tích cực cho một sứ điệp mạnh, không ngừng nhắc lại các đòi hỏi của Tin Mừng. Trên những vấn đề gây chia rẽ trong xã hội, ngài bảo vệ tự do tôn giáo và ngài nhắc lại Giáo hội không chấp nhận án tử hình nhưng ngài không nói một cách rõ ràng về việc phá thai hay hôn nhân đồng tính (trừ trên máy bay về Rôma), chắc chắn ngài muốn tránh xáo trộn thêm các chia rẽ đã rất sâu đậm về các chủ đề này.

Có những điều bỏ sót đôi khi gây ngạc nhiên nhưng chắc chắn không gây sốc với những người chúng tôi gặp trong kỳ Đại hội Gia đình Thế giới, nơi Đức Phanxicô ở đó hai ngày tròn. Rất nhiều người bị đánh động mạnh bởi lời yêu cầu của Đức Giáo hoàng, “hãy chứng tỏ một cách cụ thể và tích cực thế nào là gia đình Kitô hữu, bằng cách đón nhận và lắng nghe người khác thay vì lên án họ.”

“Tôi nghĩ hiệu quả của chuyến đi này có tác dụng lâu dài”, ông Stephen M. Colecchi nói với chúng tôi, ông là giám đốc Văn phòng Công lý và Hòa bình, một cơ quan trực thuộc Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ. “Đức Giáo hoàng nói với chúng tôi về nguồn gốc thiêng liêng, Tin Mừng, của một sứ điệp rõ rệt là tận căn. Ngài tránh cái bẫy cho rằng diễn văn của mình mang tính chính trị. Ngài tỏ cho thấy, bằng chính cuộc đời của mình, phong cách và niềm vui của mình, thế nào là đời sống Kitô. Và đó là điều quan trọng.”


(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 03.10.2015/
lavie.fr, Henrik Lindell, 2015-09-30)

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »