Ở Trung Quốc bây giờ Kitô hữu còn nhiều hơn Đảng viên Cộng sản




Chính quyền Cộng sản Trung Quốc đang nổi cơn thịnh nộ chống Kitô giáo khi mới đây đã phá sập các nhiều nhà thờ ở thành phố duyên hải Ôn Châu và nhiều nơi khác nữa, bắt giữ các giám mục đồn trú và các lãnh đạo giáo hội tại gia, cũng như bất chấp mà phong chức cho các linh mục dễ bảo làm giám mục. Nhưng ẩn dưới chiến dịch đàn áp leo thang này, lý do thực sự chính là việc con số Kitô hữu đang tăng nhanh đến chóng mặt.

 
Ước tính có khoảng hơn 100 triệu Kitô hữu trong quốc gia đông dân nhất thế giới này, riêng người Công giáo có khoảng 12 triệu. Nhiều người trong số đó là người trở lại đạo, háo hức muốn chu toàn Phận sự Cao cả, và hăng hái phúc âm hóa những người Trung Quốc đồng hương khác. Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong những năm qua đã tăng cường thu nạp, mở rộng hàng ngũ ra các nhà trí thức, các chủ hãng, và các giai cấp trước đó bị quy vào hạng đáng ngờ, thậm chí là cả các nhà tư bản! Cho đến nay, con số 86,7 triệu thành viên của ‘đức tin’ mục nát này, hầu hết chỉ hữu danh vô thực, đang bị lép vế trước con số ngày càng tăng và rất mãnh liệt của Cộng đồng Kitô giáo Trung Quốc.

 
Với các lãnh đạo Trung Quốc, những người cho rằng nhân dân Trung Quốc chẳng tin có Chúa nào ngoài trừ Đảng (mà nhớ rằng, những người nghĩ như thế chính là Đảng), thì việc này thật không chấp nhận được. Làn sóng đàn áp mới nhất chính là câu trả lời của họ. Tin tốt là dù thế nào đi nữa, đạo Công giáo ở Trung Quốc đang trên đà trỗi dậy.

 
Tôi xin chia sẻ với các bạn nhiều gương mặt đức tin Công giáo đầy hi vọng mà tôi được gặp trong chuyến đi đến Trung Quốc mới đây.

 
Một trong đó là gương mặt một linh mục Công giáo, chăm lo một giáo xứ lớn gần một thành phố chính của Trung Quốc, và cha kiên quyết cứu lấy các linh hồn. Khi chúng tôi ngồi trong văn phòng giáo xứ, cha mở cho tôi xem bức phác họa một tượng Chúa Giêsu rất lớn. Cha định sẽ bí mật xây tượng này rồi trong đêm đặt lên một bệ cao dễ thấy từ đường cao tốc gần nhà thờ. Tôi hỏi: ”Cha định xin phép chính quyền như thế nào?’ ‘Đó là đất nhà thờ,’ cha đáp một cách kiên quyết, ‘tôi không cần xin phép.’
 
Ở các tỉnh phía Bắc Trung Quốc mà tôi đến thăm, các không còn nhà thờ nào đang bị phá bỏ, mà chỉ có một vài nhà thờ đang được xây dựng. Hàng ngàn nhà thờ đã bị phá sập hay tịch thu theo lệnh của Đảng trong thập niên 1950-1960, gần như đã được xây dựng lại hay đòi lại, và thường là với đóng góp từ hải ngoại. Nhà thờ giáo xứ tại Dongergou ở tỉnh Shanxi mà tôi đến thăm cũng vậy, nơi này đã cử hành các thánh lễ suốt hơn 220 năm nay.
 
Tôi còn nhớ gương mặt những người dự thánh lễ ngày thường hôm đó. Họ đến sớm trước giờ lễ khoảng nửa tiếng, và đọc kinh bằng tiếng Trung Quốc cổ điển được soạn từ hàng trăm năm trước. Khi thánh lễ cử hành, nhà thờ chật kín người.
 
Nhiều nhà thờ mới cũng được xây dựng, một số được chính quyền cho phép, số khác thì không. Đây là một vùng mà khởi xướng thường là bởi các giáo dân. Trong một làng nọ, các giáo dân, mà nhiều người là người trở lại đạo, đã tổ chức các buổi đọc kinh chung và các thánh lễ tùy dịp nào linh mục có thể đến được, trong một chuồng ngựa bỏ không. Tôi để lại cho họ một tấm séc để góp phần xây dựng một nhà thờ mới.


Tôi còn nhớ gương mặt của 50 cặp giáo dân truyền giáo ở một giáo xứ nọ, những người đầy nhiệt thành, mỗi chúa nhật đi xe máy đến các cộng đoàn gần đó để truyền giáo. Họ đã tham dự thánh lễ tại giáo xứ mình vào tối hôm trước, rồi sáng chúa nhật, sau khi nhận phép lành từ cha quản xứ, họ lên đường đến các làng cách đó từ 10 đến 30 dặm để rao giảng Tin mừng. Họ đến tận nhà những người tò mò muốn biết về đức tin Công giáo để đọc kinh thánh và cầu nguyện. Một vài nhóm tân tòng này quá đông đến nỗi không thể hội đủ trong một căn nhà. Khi chính quyền địa phương không cho phép họ xây nhà thờ, thì họ xây một ‘hội trường xã hội’. Một nhà thờ, dù gọi bằng tên gì, thì vẫn là một nhà thờ, miễn sao được thánh hiến hợp lệ.

 
Đi trên các con phố ở Trung Quốc, bạn có thể thấy nhiều người đeo thánh giá. Nếu bạn hỏi, thì sẽ nói rằng họ là Kitô hữu, dù hóa ra họ thực sự hầu như chẳng biết gì về đức tin. Đến một nhà thờ tại gia một lần, thì bạn đã là thành viên rồi. Bạn trở thành Kitô hữu, khi đọc Phúc âm theo thánh Máccô, và đọc lời kinh nhận Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu độ của bạn. Chắc chắn việc này quan trọng. Nhưng lý do vì sao con số người Tin Lành ở Trung Quốc phát triển nhanh hơn nhiều so với Công giáo, chính là bởi Giáo hội đòi hỏi nhiều hơn đối với các tín hữu của mình.




Tôi còn nhớ những gương mặt rạng rỡ của 26 trẻ được rước lễ lần đầu trong nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội ở Taiyuan. Tất cả các em đều được dạy giáo lý trong vài tháng, nhớ các kinh, và hiểu ý nghĩa của Phép Thánh Thể. Tôi thật hạnh phúc khi thấy con số trẻ nam và trẻ nữ ngang bằng nhau, một việc bất thường ở Trung Quốc, nơi quá nhiều trẻ nữ bị phá trong bụng mẹ, nạn nhân của chính sách một con gây mất cân bằng giới tính.

 
Một vài giám mục Công giáo bị quản thúc tại gia vì không chấp nhận quyền hành của Liên hiệp Công giáo Yêu nước Trung Quốc (PCA), một tổ chức tiên phong được Đảng Cộng sản Trung Quốc dựng lên để giám sát và kiểm soát người Công giáo. Trong số này có giám mục Thượng Hải, Thaddeus Ma, người đang bị quản thúc tại gia tại chủng viện Sheshan hơn hai năm qua. Giám mục Ma, trong lễ tấn phong của mình, đã tuyên bố từ bỏ Liên hiệp Công giáo Yêu nước Trung Quốc. Tuyên bố của ngài được 1000 tín hữu hiện diện vỗ tay vang dội, một chuyện chẳng có gì ngạc nhiên khi biết các tín hữu Công giáo khinh ghét cái tổ chức nào đến mức nào.

 
Tôi còn nhớ gương mặt một linh mục trẻ, tôi thường gọi cha là Josheph, và cha đang có dự định đến Roma để học sinh luân thường học. Cha cho tôi biết, chính quyền vẫn tin cha chỉ là một chủng sinh mà thôi. Thực sự, thì cha đã được một giám mục đồn trú phong chức, trong vòng bi mật. ‘Ngay khi có một giám mục Yêu nước tốt đến thành phố này, ngài sẽ phong chức cho tôi. Đến lúc đó, Đảng sẽ xem tôi là một linh mục, chứ không phải chủng sinh. Chuyện này có lợi điểm của nó.’ Khi cha Joseph nói về một ‘giám mục Yêu nước tốt’ là cha đang muốn nói đến một giám mục được cả Roma và Bắc Kinh thừa nhận. Có một vài giám mục như thế, như Tổng Giám mục hiện thời của Bắc Kinh, Joseph Li Shan.


Việc Trung Quốc trở lại Kitô giáo, đã có một lịch sử lâu đời. Các Kitô hữu phái Nestorius đã đến Trung Quốc hồi thế kỷ VII, nhưng chỉ có số ít người trở lại. Đến thế kỷ XVI, các tu sỹ dòng Tên đã đến đây, với hi vọng rằng nếu họ có thể cải đạo được hoàng đế, thì hàng triệu người Trung Quốc sẽ theo. Tu sỹ dòng Tên lừng danh Matteo Ricci, đã gây ấn tượng với hoàng đế Vạn Lịch của Minh triều, người đã cho Giáo hội mảnh đất mà hiện nay là nhà thờ chính tòa hạt Bắc của Bắc Kinh. Và một trong những người kế nghiệp cha Ricci, đã đến rất gần việc cải đạo cho hoàng đế Thuận Trị của Thanh triều, người đã đự khoảng 24 thánh lễ tại nhà thờ chính tòa nói trên. Lịch sử thế giới sẽ rất khác nếu các cha dòng Tên thành công trong việc này.

 
Ngày nay, sau 4 thế kỷ, Thần Khí lại một lần nữa hành động uy quyền trên mảnh đất cổ này, đánh thức tâm hồn và tâm trí của người dân Trung Quốc hướng về tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa.

 
Có thể thấy được gương mặt con người của tình yêu và tha thứ đó ở gian phía đông của nhà thờ chính tòa hạt Nam của Bắc Kinh, nơi có một bức họa Đức Mẹ và hài nhi. Đức Mẹ mang áo hoàng hậu Mãn châu, còn Hài nhi Giêsu vận áo thái tử Mãn châu, hoàng tử rồi một ngày sẽ thống trị toàn cõi Trung Quốc. Chúng ta hãy cầu nguyện cho ngày đó. Oremus.

 
Steven W. Mosheris là chủ tịch của Viện Nghiên cứu Dân số và là tác giả của quyển Kiểm soát Dân số: Trả giá thực sự, Lợi ích viễn vông.

 
J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »