Các đan sĩ Đan viện Scourmont sản xuất bia và phô mai tài trợ gần 60 triệu ơrô cho quỹ xã hội



Ở Chimay, các đan sĩ sản xuất bia và phô mai trở thành các nhà bảo trợ.
 
Đây là một cộng đoàn có tiền vì nhà máy bia sinh lợi. “Chimay” là thương hiệu nổi tiếng, có bản quyền trên 60 nước. “Người dân trong vùng hãnh diện về các sản phẩm của đan viện – bia và phô mai”, người đứng đầu xưởng làm phô mai giải thích, xưởng đã được nhường lại cho các đan sĩ của đan viện Scourmont khai thác. Ông người gốc Poitou-Charentes, nước Pháp, hồi đó ông thay thế một nhân viên trong khâu tinh chế phô mai vài tháng và và bây giờ ông là quản trị xưởng phô mai của các đan sĩ Bỉ được 9 năm! Trung thành với một xí nghiệp không giống như các xí nghiệp khác, xí nghiệp của các đan sĩ chú trọng đến nghệ thuật làm và một tình yêu cho đất đai. Tất cả bắt đầu vào năm 1862 với các đan sĩ Dòng Xitô, họ làm bia để tẩy nước trong một vùng sình lầy và không ở được. “Bia là rượu của người Bỉ”, cha Armand Veilleux giải thích cho tôi. Cha Vielleux người gốc Canada, tâm hồn là người Mỹ và nói được nhiều thứ tiếng, cho nói thành thạo bốn thứ tiếng và thêm mười hai thứ tiếng khác, trong đó có tiếng Cốp xưa cổ, cha có tiến sĩ thần học, tổng quản lý Dòng Xitô và là người biện hộ cho các tu sĩ Tibéhirine, đã sống “cuộc đời phiêu bạt”. Nếu có nhiều cuộc sống với nhiều ngôn ngữ thì đó là ở Chimay, cha là ‘ông chủ xí nghiệp’, dù cha không thích danh hiệu này mấy.

 
“Đây là một tổ chức không lợi nhuận, cha giải thích, gồm có tám công ty điều khiển tổ chức. Từ bia đến phô mai, con số doanh thu hàng năm là 60 triệu ơrô mà 90% sẽ vào quỹ xã hội. chúng tôi ở Thiérache cách biên giới Pháp 10 cây số, vùng này rất nghèo. Đan viện Scourmont như một ốc đảo xanh ngát và thịnh vượng. “Nhiều người đến đây tìm chỗ trú ẩn, cha Damien quản lý cộng đoàn kể. Vì họ biết ở đây có xưởng rượu và phô mai nên họ đem lý lịch đến cho tôi trong hy vọng kiếm được một việc làm.”
 
Các tu sĩ đã tạo công ăn việc làm cho hơn hai trăm người. Tất cả đều là giáo dân người Pháp hoặc Bỉ. Còn các tu sĩ thì từ lâu họ không còn tham dự vào việc sản xuất bia và phô mai, nhưng họ có mặt mọi nơi. Cha Omer phụ trách xưởng rượu, xưởng này nằm trong đan viện, cha luôn gần sát với nhân viên, lúc nào cũng bỏ thì giờ để lắng nghe họ, từ công việc nghề nghiệp đến các vấn đề riêng tư. Ba tu sĩ có chân trong ban quản trị cùng với hai giáo dân, một luật sư lo về thuế và một cựu nhân viên ngân hàng, ông Philippe Dumont quản lý mọi sự kể cả việc cho nhân viên vay tiền. Bởi vì trong xí nghiệp nhỏ này, con người là ở trọng tâm, các nhân viên có thể mượn đến 14 000 ơrô để chi tiêu cá nhân hoặc trong những lúc gặp khó khăn.
 
Ông Philippe Dumont giải thích, “đa số nhân viên mượn tiền để mua thêm chiếc xe cho gia đình dùng.” Tổ chức cũng là nhà bảo trợ và tài trợ cho hàng trăm dự án trong vùng. Trường học, trung tâm cho người khuyết tật, trung tâm cho người già… đôi khi phong bì lên đến 100 000 ơrô. Cha Armand Veilleux cho biết, “chúng tôi tràn ngập các đơn xin tài trợ, buộc lòng càng ngày chúng tôi càng từ chối nhiều hơn.” Chimay cổ động cho lề lối làm việc của mình là cho vay nhỏ và giá trị của lao động. Không thúc bách chạy theo lợi nhuận nhưng buộc phải có đủ tiền để trả lương nhân viên và tạo công ăn việc làm. Một mô hình xí nghiệp của ngày mai mà cha Armand mô tả như sau: “Chúng tôi không tìm cách để tăng thêm lợi tức nhưng tìm cách tăng thêm giá trị xã hội.”
 
“Bây giờ chúng tôi có xưởng rượu của đan viện và chúng tôi không muốn nó biến thành đan viện của xưởng rượu”, ông Philippe Dumont nhấn mạnh. Các tu sĩ lo cho phẩm chất sản phẩm của mình, không muốn dùng lý do gì để biện minh cho thương hiệu của mình. Không có chuyện lẫn lộn đời sống thiêng liêng và tu viện với tiền bạc và quyền lực. Ở đây chúng tôi áp dụng luật thánh Biển Đức: “Cầu nguyện và làm việc” (Ora et labora). Chúng tôi cố gắng trao truyền giá trị của lao động nhưng vẫn giữ đức khó nghèo. Mười lăm tu sĩ đan viện Scourmont chỉ nhận tiền thuê nhà của hãng rượu ở trong khuôn viên đan viện. “Chúng tôi không thiếu gì, chúng tôi không đi tìm lợi nhuận”, cha đan viện trưởng kết luận.


 
Marta An Nguyễn

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »