Vì sao Đức Phanxicô dâng hoa cho Đức Mẹ?

Add Comment
Tôi vừa trở lại đạo và tôi phải thú nhận, tôi hơi bối rối khi thấy Đức Phanxicô dâng hoa cho Đức Mẹ. Nhưng tôi hiểu, ngài tôn kính Mẹ mình, Mẹ của chúng ta, Mẹ của Giáo hội.


Như các bạn đã thấy: trong chuyến đi Mỹ, mỗi lần Đức Phanxicô vào một nhà thờ, việc trước hết là ngài đến dâng hoa dưới chân Đức Mẹ, trong một nhà nguyện kế bên dành tôn kính Đức Mẹ. Ngài thinh lặng và ở đó chiêm niệm. Ở bất cứ nhà thờ nào ngài đến, ngài cũng dâng hoa cho Đức Mẹ.

Và sau chuyến đi dài chín ngày, sau một đêm dài trên máy bay từ Philadelphia về Rôma, trong khi các ký giả tháp tùng ngài chỉ mong nhanh chóng về nhà hay về khách sạn nghỉ ngơi, thì Đức Phanxicô đi thẳng đến đền thờ Đức Bà Cả để cám ơn Đức Mẹ về chuyến đi của mình và để dâng hoa lên Đức Mẹ.

Tôi vừa mới trở lại đạo công giáo nên tôi hơi bối rối trước hành vi này. Tôi không được nuôi dạy trong truyền thống kính Đức Mẹ vào tháng năm. Tôi hiểu tầm quan trọng của việc tôn kính Đức Mẹ nhưng tôi không hiểu thói quen dâng món quà vật chất trước ảnh tượng nghệ thuật của Đức Mẹ.

Ngày cuối cùng chuyến đi Mỹ của Đức Giáo hoàng, sau khi xem lễ ngày chúa nhật ở nhà thờ trong khu vực của tôi ở Washington, tôi quyết định đi viếng Đức Mẹ. Tôi thấy ở đây có nhiều bà lớn tuổi nhưng nhiều nhất là các bà Phi Luật Tân. Tôi quỳ trước tượng Đức Mẹ Maria bồng Chúa Giêsu và tôi quan sát. Thành thật mà nói, tôi chẳng thấy gì ngoài bức tượng thạch cao trắng nhưng tôi ngạc nhiên khi thấy ánh mắt Đức Mẹ nhìn tôi, ánh mắt diễn tả tình mẫu tử, trìu mến, bàn tay mở ra tự nhiên như muốn mời tôi. Rõ ràng các bức tượng này được các nghệ sĩ tạo ra để làm chúng ta ngạc nhiên và để kích thích trí tưởng tượng của chúng ta, để chúng ta có thể chiêm ngắm Mẹ Maria như mẹ của mình. Các bức tượng Mẹ Maria nhắc cho chúng ta nhớ Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu nhưng cũng là Mẹ của chúng ta. Và để đáp trả thì chúng ta phải có lòng tôn kính Mẹ. Đức Phanxicô là người con chí hiếu của Đức Mẹ, ngài luôn dâng hoa cho Mẹ mình!
PopeFrancis-HolyMary.jpg

Tại sao phải dâng hoa?

«Dâng hoa cho Đức Mẹ, ‘Lời chào của dân La Mã’, đó là dấu hiệu lòng biết ơn của chúng ta đối với vai trò của Mẹ trong lịch sử cứu độ. Bông hoa là tặng vật của thiên nhiên. Đôi khi chúng ta cần một cái gì mang lại cảm giác và có thể nhìn được để nối kết với cái gì ở ngoài nhân loại, ở ngoài thế giới chúng ta. Dâng một tặng vật trần thế ở ngoài câu chữ và lời cầu nguyện. Đó là nói lên lòng biết ơn của một người con đối với người mẹ yêu thương của mình, thì chỉ làm cho tâm hồn chúng ta tốt hơn lên.»

Khi nhìn thấy các bó hóa dưới chân Đức Mẹ, chúng ta nhớ lại tình yêu của Mẹ cho chúng ta, tình yêu này dẫn đến một cái đẹp cao cả, một niềm hy vọng cho cuộc sống chúng ta.

Các bó hoa cũng nhắc chúng ta nhớ đến thế giới hữu hình, một biểu tượng cho thực tế thiêng liêng của quan hệ của chúng ta với Đức Mẹ.

Các bài giảng và các bài diễn văn của Đức Giáo hoàng trong chuyến đi Mỹ là chất liệu phong phú để chúng ta suy nghĩ và cảm hứng. Cũng như từ một tuần nay, tôi cảm nhận hành vi đơn sơ và thường xuyên tôn kính Đức Mẹ của ngài đã làm cho tôi được phong phú.

Còn các bạn, tôi không biết các bạn đã dâng hoa cho Đức Mẹ chưa, nếu chưa, các bạn chờ gì mà chưa dâng?

(Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 26.10.2015/
fr.aleteia.org, Zelda Caldwell, 2015-20-23)

Chuyện tình ca sĩ Cẩm Vân và Đức Mẹ La Mã Bến Tre

Add Comment


Sáng nay, 25 tháng 10, ngày thật đẹp trời nhẹ nắng, đoàn con cái của Mẹ từ nhiều nơi về hành hương 
kính Mẹ tại trung tâm La Mã Bến Tre. Đông nhất phải nói là con cái của Mẹ đến từ đoàn Legio Mariae Hòa Hưng. Và, đặc biệt hơn nữa trong đoàn hành hương hôm nay chúng tôi nhận thấy có gia đình ca sĩ Cẩm Vân – Khắc Triệu.

          Dù trục trặt là xe của gia đình ca sĩ Cẩm Vân “được” công an giao thông Bến Tre hỏi thăm “sức khỏe” nhưng gia đình ca sĩ vẫn hiện diện với đoàn trong ngày hành hương hôm nay.

          Trước khi biết sự xuất hiện khác thường này của Cẩm Vân, chúng tôi nhận thấy hình ảnh của nhạc sĩ Khắc Triệu vì anh khá quen thuộc trên màn ảnh TV. Sau khi thấy anh, hỏi thăm ca sĩ Cẩm Như thì được biết có cả gia đình của ca sĩ Cẩm Vân đi hành hương kính Mẹ hôm nay.

          Gia đình ca sĩ Cẩm Vân hết sức bình dị dùng cơm trưa tại trung tâm hành hương La Mã Bến Tre với đoàn hành hương. Có lẽ sự bình dị cũng khó nghĩ ra bởi lẽ sau này chúng tôi hỏi thăm mới biết gia đình ca sĩ không phải là người Công Giáo.

          Giờ ăn kết thúc, chúng tôi đến chào thăm hỏi ca sĩ cũng như hỏi về sự hiện diện của chị và gia đình trong ngày hôm nay tại trung tâm hành hương La Mã Bến Tre.

          Nụ cười thân thiện cũng như cung cách khá bình dân của cô ca sĩ quen thuộc với nhiều người và đầy dấu ấn với ca khúc “Bài ca không quên” đã hút nhiều người. Những người đứng quanh đó thấy chị đều không bỏ lỡ cơ hội “chớp” một tấm hình với chị làm kỷ niệm ngày gặp nhau này.

          Một chút thân tình, chị Cẩm Vân chia sẻ với chúng tôi là gia đình của chị “nghe” Đức Mẹ La Mã Bến Tre và rồi gia đình chị khấn xin Mẹ ơn lành. Điều ngạc nhiên với chị và nhiều người đó là Đức Mẹ La Mã Bến Tre đã nhận lời nguyện xin của gia đình chị để rồi ngày hôm nay chị đến đây để tạ ơn Đức Mẹ.


          Phải ghi nhận đến công lao của cô ca sĩ Cẩm Như cũng như của đoàn Legio giáo xứ Hòa Hưng – giáo phận Sài Gòn (cha Giuse Phạm Bá Lãm – chánh xứ). Chính vì sự nhiệt tình rủ rê mà cô Cẩm Như đã rủ nhiều bạn bè trong đó có gia đình ca sĩ Cẩm Vân đến với Mẹ.
 
          Tạ ơn Chúa, cảm ơn Mẹ La Mã Bến Tre đã không để ai về tay không khi đến với Mẹ.
 
          Trước khi chia tay với gia đình ca sĩ Cẩm Vân, cha phụ tá đã kịp chuyển đến gia đình chị Cẩm Vân ít dầu dừa gọi là “cây nhà lá vườn” cũng như là quà của Mẹ La Mã Bến Tre. Vẫn ước mong ơn lành của Mẹ La Mã Bến Tre không chỉ tuôn đổ xuống với gia đình ca sĩ Cẩm Vân nhưng đến với tất cả những ai kêu cầu đến Maria : Mẹ Hằng Cứu Giúp La Mã Bến Tre.

Người La Mã

Mẹ Têrêsa có thể được tuyên thánh vào năm tới 2016

Add Comment


Tòa Thánh đã hoàn thành tiến trình điều tra án tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa, và việc tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa có thể sẽ diễn ra vào năm tới.

Các tài liệu liên quan đến tiến trình điều tra án tuyên thánh đã được trình lên Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài có thể sẽ triệu tập một công nghị các Hồng Y vào tháng Hai, 2016 để thông báo ngày giờ và địa điểm tổ chức lễ tuyên thánh cho Chân Phước Têrêsa. Tờ Malayala Manorama của Công Giáo tại Kerela, Ấn Độ cho biết như trên.

Theo tờ báo trên việc tuyên thánh có thể được tổ chức trong Năm Thánh của Lòng Thương Xót, bắt đầu vào ngày 08 tháng 12 năm nay và kéo dài đến ngày 20 tháng 11 năm tới. Ngày mẹ Têrêsa qua đời là ngày 5 tháng Chín được xem như là một ngày tốt nhất cho việc tuyên thánh.

Tháng 8 vừa qua, việc chữa lành cho một người đàn ông Ba Tây thuộc giáo phận Santos ở Sao Paulo bị một khối u não ác tính đã được khẳng định như một phép lạ nhờ lời cầu bầu của Mẹ Têrêsa.

Đức Hồng Y Mar Baselios Cleemis, là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Malabar và Đức Hồng Y Oswald Gracias và xin Đức Giáo Hoàng đến thăm Ấn Độ.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng cuối cùng đến thăm Ấn Độ vào năm 1986 và 1999.

Đặng Tự Do

Tám tên du đảng tại Đức ra tòa vì ăn trộm các nhà thờ để tài trợ cho quân khủng bố Hồi Giáo IS

Add Comment


Một nhóm tám tên du đảng đã phải ra tòa tại thành phố Cologne miền tây nước Đức. Những kẻ này bị cáo buộc đột nhập vào các nhà thờ và trường học để ăn trộm kiếm tiền tài trợ cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS ở Syria và Iraq. Chúng đã trộm cắp trong một khoảng thời gian bốn năm qua trước khi bị bắt.

Hôm thứ Ba, 20/10, một tòa án tại Cologne đã xử một băng nhóm bị cáo buộc đã đánh cắp các tài sản của các nhà thờ khắp Cologne và Siegen giữa năm 2011 và 2014, với trị giá không dưới 19,000 Euros. Thông thường, trước khi rút lui, chúng còn gây thêm những thiệt hại trên những thứ không thể lấy đi được như đập phá các ảnh tượng.
 
Công tố viên trưởng Nadja Gudermann nói với bồi thẩm đoàn rằng 8 tên này đã đột nhập vào các nhà thờ đánh cắp các hộp thu tiền quyên góp trong các thánh lễ, các chén lễ và nhiều vật dụng khác “dành riêng cho các nghi lễ trong nhà thờ và việc thờ phượng tôn giáo.”
 
Những kẻ này cũng ăn cắp các máy tính xách tay và một thẻ rút tiền mặt từ một số trường học. Tiền ăn trộm được sử dụng để giúp tài trợ cho các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan tại Syria. Chính xác chúng đã lấy được bao nhiêu tiền và chuyển giao cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS bao nhiêu vẫn chưa biết được và không phải là trọng tâm của phiên tòa này.
 
Cầm đầu băng đảng này là một thanh niên Ma-rốc mà công tố viên nói đã xuất hiện trong phần nói tiếng Đức của một video trên YouTube, trong đó y khuyến khích người Hồi giáo chiến đấu cho cái gọi là thánh chiến. Một phát ngôn viên của tòa án nói rằng cờ “Nhà nước Hồi giáo” đã được nhìn thấy trong đoạn video. Tên cầm đầu này năm nay 26 tuổi đã tới Syria để tham dự một khóa huấn luyện trong một doanh trại quân đội của bọn khủng bố Hồi Giáo IS.
 
Ba trong số tám người bị bắt sẽ phải ra tòa tại thành phố lân cận Dusseldorf về các cáo buộc khác liên quan đến việc hỗ trợ cho một tổ chức khủng bố nước ngoài.
 
Đặng Tự Do

Bí ẩn những ngôi mộ trong nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

Add Comment


TTO - Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn có sức chứa 1.200 người, có 20 bàn thờ lớn nhỏ và đặc biệt nền nhà thờ là một nghĩa địa lớn với ngôi mộ của giám mục Colombert nằm ở vòm phía cuối nhà thờ.

 
 
                        
 
Nghe đọc bài: Bí ẩn những ngôi mộ trong nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

Bên trong nhà thờ Đức Bà - Ảnh: Nguyễn Công Thành
Bên trong nhà thờ Đức Bà - Ảnh: Nguyễn Công Thành
Sau khi chọn được đồ án xây dựng, chính quyền tổ chức đấu thầu xây dựng và kiến trúc sư J.Bourad, người đã có đồ án được chọn, cũng là người trúng thầu.
Vật liệu mang từ Pháp
Ngày 7-10-1877, lễ đặt viên đá đầu tiên nhà thờ Đức Bà Sài Gòn do giám mục Isidore Colombert chủ trì dưới sự chứng kiến của phó soái Nam kỳ và các nhân vật tai mắt của Sài Gòn, diễn ra rất long trọng.
Vật liệu xây dựng đều mang từ Pháp sang. Đặc biệt, loại gạch nung có màu đỏ được đặt làm tại Marseille để xây bọc bên ngoài không cần tô nhưng vẫn không bám rêu mốc, đến nay vẫn còn tươi màu.
Chúng tôi đã từng lên tận bên trên laphông nhà thờ để xem xét và đọc thấy những dòng chữ Guichard Carvin, Marseille St André France trên một số miếng ngói. Những dòng chữ này xác nhận nguồn gốc các miếng ngói của nhà thờ được sản xuất tại Pháp.
Sau ba năm xây dựng, ngày 11-4-1880 dưới sự chứng kiến của Thống đốc Nam kỳ dân sự Le Myre de Vilers, giám mục Colombert đã khánh thành nhà thờ Đức Bà Sài Gòn với tên nhà thờ Nhà nước do toàn bộ chi phí xây dựng và trang trí nội thất đều do chính quyền Pháp tài trợ.
Chi phí xây dựng là 2,5 triệu quan Pháp, tương đương 500.000 đồng Đông Dương thời bấy giờ. 
Bên trong nhà thờ trên tầng lửng ngay cửa nhà thờ bước vào có một cây đại phong cầm rất lớn nhưng đã hư hỏng.
Thay vào đó, năm 2005 nhân kỷ niệm 125 năm khánh thành nhà thờ Đức Bà, có người đã dâng cho nhà thờ một cây đàn ống khác (website hdgmvietnam.org).
Nền nhà thờ là một nghĩa địa
Nhà thờ có sức chứa 1.200 người, có 20 bàn thờ lớn nhỏ và đặc biệt nền nhà thờ là một nghĩa địa lớn với ngôi mộ của giám mục Colombert nằm ở vòm phía cuối nhà thờ.
Những bia mộ bên trong nhà thờ Đức Bà - Ảnh: Nguyễn Công Thành
Những bia mộ bên trong nhà thờ Đức Bà - Ảnh: Nguyễn Công Thành
Cùng với hai ngôi mộ khác, mộ của giám mục Colombert nằm dưới nền nhà thờ, có lót một bia lớn bằng phẳng với nền nhà thờ ghi tên họ người nằm dưới mộ.
Ở phương Tây, nền của nhà thờ thường là những hầm mộ chôn cất những người “có công” với nhà thờ.
Ở nước ta, do địa thế và thời tiết nên không thể có những hầm mộ như thế mà dùng cách chôn! Theo hiểu biết của chúng tôi, hầu hết nhà thờ đều là những nghĩa địa.
Nơi đó chôn cất những linh mục phụ trách và những người có công với nhà thờ. Riêng hàng giám mục thì được chôn cất ở những nhà thờ lớn trong giáo phận họ từng phụ trách.
Giới Công giáo ở Sài Gòn cũng có một nghĩa địa riêng tại giáo xứ Chí Hòa, trên đường Bành Văn Trân.
Nơi đây chôn cất những tu sĩ, linh mục đã hưu trí. Riêng giám mục Trần Thanh Khâm, giám mục phụ tá đầu tiên của Giáo phận Sài Gòn, mất năm 1976, là giám mục duy nhất được chôn trong nghĩa địa này do thời ấy chính quyền chưa cho phép chôn trong nhà thờ theo nghi lễ tôn giáo.
Không rõ đến nay ngôi mộ của ông vẫn còn hay đã bốc đi.
Hai tháp chuông tách rời
Thuở ấy, sau khi xây dựng xong, nhà thờ Nhà nước chưa có tháp chuông như hiện nay. Mãi đến năm 1895, kiến trúc sư Gardès mới vẽ và xây dựng thêm hai tháp chuông.
Nhìn từ ngoài vào dễ tưởng rằng hai tháp chuông gắn liền với nhà thờ nhưng thực tế hai tháp chuông này lại là công trình hoàn toàn tách rời với khu nhà.
Chuông nhà thờ Đức Bà - Ảnh: Nguyễn Công Thành
Chuông nhà thờ Đức Bà - Ảnh: Nguyễn Công Thành
Bộ chuông gồm 6 cái được đặt làm từ năm 1879 tại Pháp. Tháp bên phải có hai chuông mang nốt la và do. Và bốn chuông ở tháp bên trái có các nốt sol, si, mi, re.
Tổng sức nặng của bộ chuông là 30 tấn và ba chuông nặng nhất là sol 8.475kg, si nặng 3.150kg và re nặng 2.194kg.
Bộ chuông nhà thờ Nhà nước được khởi động bằng điện ngay từ đầu, riêng ba chuông lớn trước khi bật rờle điện phải khởi động bằng sức người (đạp).
Nếu cả bộ chuông cùng đến tiếng thì phạm vi tiếng vang là 10km. Sau hơn một thế kỷ sử dụng, mép chuông, nơi trái chuông đánh vào, lõm độ 1/5cm, theo ước đoán của chúng tôi khi rờ vào.

Tất cả đèn trong nhà thờ đều là đèn điện được thiết kế ngay từ khi xây dựng, không dùng đèn cầy. Trên nóc nhà thờ có cây thánh giá ngang 2m, cao 3,5m, nặng 600kg.
Sau khi xây dựng xong, nhà thờ Nhà nước đứng một mình, xung quanh chưa có công trình xây dựng nào, trừ câu lạc bộ thể thao dành cho sĩ quan Pháp nằm chếch ở phía sau (nay là UBND quận 1). 
Phía trước nhà thờ cũng không dựng tượng hoặc xây dựng vườn hoa.  Vậy khu vực trước nhà thờ Đức Bà khi ấy là gì? Bức tượng trước nhà thờ Đức Bà được xây dựng khi nào?
Mời bạn xem tiếp bài tiếp: Tên gọi nhà thờ Đức Bà từ bức tượng Đức mẹ Hòa Bình

TRẦN NHẬT VY
http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20151023/bi-an-nhung-ngoi-mo-ben-trong-nha-tho-duc-ba-sai-gon/988681.html

Tên gọi nhà thờ Đức Bà từ bức tượng Đức Mẹ Hòa Bình

Add Comment

TTO - Đến ngày 16-2-1959, tượng Đức Mẹ Hòa Bình mới được dựng trên bệ đá cũ vẫn để trống từ năm 1945. 
 

Nhiều sự kiện quan trọng của Sài Gòn từng được diễn ra ở nhà thờ này - Ảnh Nguyễn Công Thành
Năm 1903, chính quyền Pháp đã cho dựng tượng đồng Pineau de Béhaine, còn gọi là giám mục D’Adran mà người Việt quen với tên Bá Đa Lộc, người đã dẫn hoàng tử Cảnh, con vua Gia Long, sang Pháp cầu viện năm 1786 và cũng là người đưa hoàng tử Cảnh vào đạo Công giáo.
Dựng trên bệ đá cũ
Bức tượng này nhằm ca ngợi công lao nước Đại Pháp đối với Việt Nam. Tượng gồm một bệ đá hoa cương màu đỏ hình trụ cao khoảng 2,5m, bên trên là Bá Đa Lộc tay trái dắt hoàng tử Cảnh được đúc bằng đồng ở Pháp.
Sau khi dựng tượng, người Sài Gòn gọi là tượng “hai hình” để phân biệt với tượng “một hình” là tượng của đô đốc Regault de Genouilly, người chỉ huy cuộc tấn công và đánh chiếm Sài Gòn năm 1859 tại công trường Mê Linh (chỗ hiện nay dựng tượng đức Trần Hưng Đạo).
Năm 1945, tượng Bá Đa Lộc bị nhân dân Sài Gòn coi như là một biểu tượng “bán nước” nên đã phá bỏ nhưng bệ tượng vẫn còn đó.
Năm 1959, linh mục Phạm Văn Thiên, cai quản Giáo xứ Sài Gòn đi dự lễ hội Thánh Mẫu ở Vatican, đã đặt một tượng Đức Mẹ Hòa Bình bằng đá cẩm thạch quý.
Ngày 16-2-1959, tượng Đức Mẹ Hòa Bình được dựng trên bệ đá cũ vẫn để trống từ năm 1945 và dâng tước hiệu Nữ Vương Hòa Bình.
Linh mục Phạm Văn Thiên đã viết câu “Xin đức Mẹ cho Việt Nam được hòa bình”. Ngày hôm sau, Hồng y Aganianian từ Roma qua Sài Gòn để chủ tọa lễ bế mạc Đại hội Thánh Mẫu đã làm phép bức tượng vào buổi chiều 17-2-1959.
Do bức tượng này mà từ đó nhà thờ có tên gọi là nhà thờ Đức Bà.
Chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng
Tượng do nhà điêu khắc G.Ciocchetti thực hiện năm 1959. Tên của tác giả được khắc trên tà áo dưới chân, phía bên trái bức tượng.
Tượng cao 4,6m, nặng 5,8 tấn, bằng đá cẩm thạch trắng của Ý, được tạc với chủ đích để nhìn từ xa nên không đánh bóng, vì vậy mà toàn thân tượng, kể cả vùng mặt, vẫn còn những vết điêu khắc thô.
 
Tượng cao 4,6m, nặng 5,8 tấn, bằng đá cẩm thạch trắng của Ý - Ảnh: Nguyễn Công Thành
Tượng cao 4,6m, nặng 5,8 tấn, bằng đá cẩm thạch trắng của Ý - Ảnh: Nguyễn Công Thành
Tượng Đức Mẹ trong tư thế đứng thẳng, tay cầm trái địa cầu, trên trái địa cầu có đính cây thánh giá, mắt Đức Mẹ đăm chiêu nhìn lên trời như đang cầu nguyện cho Việt Nam và cho thế giới được hòa bình.
Vương cung Thánh đường là một tước hiệu giáo hoàng ban cho một số nhà thờ đặc biệt. Có hai loại vương cung thánh đường: đại và tiểu vương cung thánh đường. 
Trong Giáo hội Công giáo hiện nay, chỉ có bốn đại vương cung thánh đường. Tất cả đều ở tại Roma. 
Đó là các nhà thờ thánh Gioan Latêranô, nhà thờ thánh Phêrô ở Vatican, nhà thờ thánh Phaolô ngoại thành và nhà thờ Đức Bà Cả. 
Các tiểu vương cung thánh đường thì nhiều và không chỉ có tại Roma mà còn có ở các nơi khác nữa. 
Riêng tại Roma, có 11 tiểu vương cung thánh đường. Tước hiệu này cũng được ban cho một số nhà thờ ngoài Roma. 
Tại Việt Nam, có hai nhà thờ được nâng lên hàng vương cung thánh đường nhân dịp thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam vào năm 1960. 
Đó là nhà thờ Đức Bà Sài Gòn và nhà thờ Đức Mẹ La Vang. Ngoài ra, đền thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Nhai, Giáo phận Bùi Chu cũng được nâng lên hàng vương cung thánh đường hồi tháng 8-2008.
Chân Đức Mẹ đạp đầu con rắn (hiện nay đầu con rắn bị bể mất hàm trên). Trên bệ đá, phía trước tượng người ta gắn một bảng đồng với hàng chữ Latin: REGINA PACIS - OPRA PRONOBIS - XVII. II. MCMLIX Nghĩa là: NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH - CẦU CHO CHÚNG TÔI - 17.2.1959.
Phía dưới bệ đá, người ta đã khoét một cái hốc chỗ giáp với chân tượng Đức Mẹ, trong đó có một chiếc hộp bằng bạc chứa những lời kinh cầu nguyện cho hòa bình của Việt Nam và thế giới.
Những lời cầu nguyện đó được viết lên trên những lá mỏng bằng những chất liệu khác nhau như bằng vàng, bạc, thiếc, nhôm, giấy, da và đồng, được gởi tới từ nhiều miền của Việt Nam, kể cả từ một số vùng từ miền Bắc. 
Ngày 5-12-1959, tòa thánh đã cho phép làm lễ "xức dầu", tôn phong nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn lên hàng Vương cung Thánh Đường (basilique).


Từ đó, tên gọi chính thức của thánh đường là Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn.
Năm 1960, tòa thánh thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam với ba tòa tổng giám mục tại Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Nhà thờ trở thành nhà thờ chính tòa của vị tổng giám mục Sài Gòn cho đến ngày nay.
Nhiều sự kiện quan trọng của Sài Gòn từng được diễn ra ở nhà thờ này. Ông Trương Vĩnh Ký, một trong những người Việt, khi mất đã được đưa từ nhà ra làm lễ tại nhà thờ trước khi mang về nhà chôn cất.
Năm 1946, chính phủ Nam kỳ tự trị do Nguyễn Văn Thinh làm thủ tướng đã làm lễ ra mắt ở trước nhà thờ.
Bốn lần trùng tu
Theo thông báo của Tòa tổng giám mục Sài Gòn, cuối năm nay nhà thờ Đức Bà sẽ đóng cửa để trùng tu. Từ khi xây dựng tới nay, đây là lần trùng tu thứ tư của ngôi nhà thờ này.
Lần trùng tu đầu tiên cũng chính là lần xây dựng thêm tháp chuông nhà thờ này vào năm 1895. Do ban đầu nhà thờ được xây dựng “khá giống” nhà thờ Đức Bà Paris nên đã có nhiều ý kiến cho rằng “cần có nét riêng” của nhà thờ Sài Gòn so với nhiều nhà thờ Đức Bà trên thế giới.
 
Nhà thờ Đức Bà Paris ở Nice và Sài Gòn
Nhà thờ Đức Bà Paris ở Nice và Sài Gòn

Vậy là nhà thờ đã được trùng tu. Ban đầu là xây thêm tháp chuông không có vách bọc bên ngoài. Rồi thêm vách bọc của tháp chuông. Đây là lần trùng tu lớn nhưng không công bố rộng rãi nên ít được lịch sử ghi nhận.
Lần trùng tu thứ hai vào năm 1903, năm dựng tượng Bá Đa Lộc. Lần này mặt tiền nhà thờ được tôn tạo, có vườn hoa, có tượng. Và lần trùng tu thứ ba chính là lần dựng tượng Đức Bà năm 1959.
Như vậy, lần trùng tu năm 2015 khi nhà thờ bước vào tuổi 135 là lần trùng tu thứ tư và là lần trùng tu lớn nhứt, được công bố chính thức. Trong thời gian trùng tu, nhà thờ vẫn hoạt động bình thường.
Theo linh mục Hồ Văn Xuân, trưởng ban trùng tu nhà thờ Đức Bà, sau 135 năm, thời gian đã khiến nhà thờ “xuống cấp nghiêm trọng”. 
Nhà thờ sẽ thay khoảng 50.000 miếng ngói mà theo gợi ý của Sở VH-TT thì nên đặt ngói nguyên thủy ở Marseille, Pháp. Đây là loại ngói đầu tiên lợp nhà thờ. 
Đồng thời nhà thờ thay một phần lớn kính màu, loại kính được đặt riêng không thể mua ở cửa hàng nào được.
Linh mục Xuân cũng than phiền việc vô ý thức của một số người trong việc viết, vẽ trên tường nhà thờ khiến gạch có thể bị hư hỏng và mất đi sự tôn nghiêm.
Qua những lần trung tu, nhà thờ Đức Bà đã bị đổi thay như thế nào, các vật liệu xây dựng được sử dụng ra sao? Và trong lần trung tu sắp đến, nhà thờ Đức Bà có những đổi thay ra sao? Mời bạn đọc tiếp trong các bài tiếp theo


TRẦN NHẬT VY
http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20151024/ten-goi-nha-tho-duc-ba-tu-buc-tuong-duc-me-hoa-binh/988690.html